Đây là dữ liệu từ Bộ Bình đẳng giới và gia đình Hàn Quốc được công bố hôm 7/9. Theo đó, trung bình phụ nữ Hàn Quốc vẫn kiếm được ít hơn đáng kể so với nam giới.
Tỷ lệ việc làm trên dân số của phụ nữ từ 15 đến 64 tuổi ở nước này đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 60% vào năm 2022. Đây là lần đầu tiên con số này đạt mức 60% kể từ khi Bộ Bình đẳng giới và Gia đình bắt đầu tổng hợp dữ liệu vào năm 1997. Tỷ lệ phụ nữ có việc làm là 52,7% vào năm 2010.
Tỷ lệ lao động nữ kiếm được ít hơn 2/3 mức lương trung bình hàng tháng, được xếp vào nhóm lao động có mức lương thấp, ở mức 22,8%. Tỷ lệ này gần gấp đôi đối với nam giới làm công ăn lương thấp, chiếm 11,8% lực lượng lao động nam. Tỷ lệ lao động thu nhập thấp liên tục giảm ở cả hai giới, từ 16,2% đối với nam và 39,8% đối với nữ vào năm 2010, giảm lần lượt 4,4 điểm phần trăm và 17,0 điểm phần trăm trong 12 năm.
Khoảng cách tiền lương giữa các giới đã được cải thiện so với năm 2010, nhưng mức lương trung bình mỗi giờ của lao động nữ là 18.113 Won (13,58 USD), chỉ bằng 70% mức lương mỗi giờ của nam giới với 25.886 Won (19,41 USD). Mức lương trung bình hàng tháng của lao động nữ là 2,68 triệu Won (2.009,29 USD), chỉ bằng 65% trong số 4,13 triệu Won (3.096,41 USD) trung bình nam giới kiếm được mỗi tháng.
Tỷ lệ phụ nữ làm việc trong các công ty có hơn 300 nhân viên, ngưỡng dành cho các tập đoàn lớn, vốn có truyền thống ổn định hơn, lương cao hơn, nhiều phúc lợi hơn và đảm bảo việc làm cao hơn ở Hàn Quốc, là 8,4%, tăng 2,8 điểm phần trăm so với năm 2010. Điều này cho thấy, nhiều phụ nữ đang ở vị trí ổn định, được trả lương tương đối cao hơn so với 12 năm trước. Tỷ lệ nam giới làm việc trong các công ty lớn cũng tăng 2,4 điểm phần trăm, lên 12,4%.
Bên cạnh đó, trong khi độ tuổi kết hôn của cả nam và nữ Hàn Quốc đều tăng lên, tỷ lệ nam giới tham gia làm việc nhà và chăm sóc con cái cũng tăng lên.
Năm 2022, tổng số cuộc kết hôn lần đầu ở Hàn Quốc là 148.000, giảm 0,6% so với năm 2021. Độ tuổi trung bình kết hôn lần đầu của người dân là 33,7 đối với nam và 31,3 đối với nữ, tăng lần lượt 0,3 năm và 0,2 năm, từ năm 2021.
Ít người tin rằng việc nhà là nghĩa vụ của riêng phụ nữ khi chỉ có 23,7% phụ nữ và 18,2% nam giới trả lời rằng phụ nữ nên đảm nhận việc nhà, giảm lần lượt 1,4 điểm phần trăm và 2,9 điểm phần trăm so với hai năm trước .
Số lao động nam sử dụng chế độ nghỉ thai sản vào năm 2022 là 38.000, tăng 1,7 lần so với 22.000 của năm 2019 và con số này không ngừng tăng lên. Tuy nhiên, phụ nữ vẫn chiếm 71,1% số người nghỉ phép chăm con vào năm 2022, cho thấy nam giới nghỉ phép như vậy không phổ biến.
Hàn Quốc có kế hoạch kéo dài thời gian nghỉ phép của cha mẹ từ 12 lên 18 tháng đối với các cặp vợ chồng làm việc toàn thời gian, có thu nhập kép bắt đầu từ năm 2024, với điều kiện cả cha lẫn mẹ đều phải nghỉ phép hơn 3 tháng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!