Fatu, 19 tuổi (phải) và Najin, 30 tuổi là hai con tê giác trắng phương Bắc cuối cùng trên Trái đất. (Ảnh: AP)
Một trong hai con tê giác trắng phương Bắc còn sống sót trên thế giới, tê giác cái Fatu sống với con mẹ Najin trong khu bảo tồn động vật hoang dã Ol Pejeta rộng 90.000 mẫu Anh của Kenya, đã cung cấp trứng cho dự án, trong khi tinh trùng được sử dụng là từ hai con đực đã chết khác.
Trong một thông cáo báo chí, tập đoàn khoa học Biorescue đã mô tả cách những quả trứng được thu thập từ tê giác cái Fatu vào đầu tháng 7 trước khi được vận chuyển đến phòng thí nghiệm ở Italy để thụ tinh, phát triển phôi thai và bảo quản.
Cả Fatu và Najin đều không có khả năng mang thai, vì vậy, những con tê giác trắng phương Nam sẽ được chọn để cấy ghép phôi thai.
Hiện trên thế giới chỉ còn 2 con tê giác trắng phương Bắc tại Kenya. (Ảnh: AP)
Giám đốc khu bảo tồn động vật hoang dã phi lợi nhuận Ol Pejeta ở miền Trung Kenya, ông Richard Vigne, nói rằng, ông tin tưởng vào cơ hội thành công của dự án dù quá trình này không hề dễ dàng.
Kể từ năm 2019, Biorescue đã thu thập được 80 quả trứng từ Najin và Fatu, nhưng 12 phôi còn sống đều được lấy từ tê giác non.
Dự án là một nỗ lực hợp tác đa quốc gia gồm các nhà khoa học từ Viện Leibniz của Đức, Cơ quan Động vật hoang dã Kenya, khu bảo tồn Ol Pejeta và phòng thí nghiệm Avantea của Italy.
Tê giác trắng phương Bắc có rất ít kẻ săn mồi trong tự nhiên. Tuy nhiên, số lượng loài này đã bị suy giảm nghiêm trọng do nạn săn trộm kể từ những năm 1970.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!