Cảnh sát bắt giữ người biểu tình tại New York. (Ảnh: Reuters)
1. Người sáng lập phong trào biểu tình Hong Kong đầu hàng
Ngày 3/12, Ba người sáng lập phong trào Chiếm Trung tâm ở Hong Kong đã ra đầu hàng cảnh sát để nhận trách nhiệm về các cuộc biểu tình tại Hong Kong, đồng thời kêu gọi những người biểu tình còn trên đường phố rút lui.
Trước khi ra đầu thú, những người sáng lập phong trào đã kêu gọi người biểu tình sớm chấm dứt hoạt động phong tỏa đường phố hiện nay để ngăn chặn tình trạng bạo lực leo thang. Tuy nhiên, các thành viên của các nhóm sinh viên tham gia phong trào biểu tình tuyên bố, họ tôn trọng lời kêu gọi của những người đứng đầu phong trào, song không có kế hoạch sớm từ bỏ các hoạt động biểu tình.
2. Một công dân da màu người Mỹ bị cảnh sát bắn chết
Ngày 5/12, trong lúc nước Mỹ vẫn đang sôi sục biểu tình vì các vụ người da màu bị giết ở Cleveland, New York thì lại có thêm một người da màu bị cảnh sát da trắng bắn chết ở Phoenix, bang Arinoza.
Theo Sở Cảnh sát thành phố Phoenix báo cáo về vụ việc, hai người đã tố cáo một người đàn ông trên chiếc ô tô màu đen, mang theo ma túy bên ngoài một cửa hàng tiện lợi. Người đàn ông này được xác định là Rumain Brisbon, 34 tuổi.
Cảnh sát Phoenix đã theo dõi và nhìn thấy Brisbon lấy thứ gì đó từ ghế sau của chiếc xe. Ngay sau đó, cảnh sát đã ra lệnh cho người đàn ông này giơ tay, nhưng Brisbon đã bỏ chạy.
Các nhân viên cảnh sát đã đuổi theo vì tin rằng anh này giấu súng, khi anh vẫn tiếp tục đút tay vào túi quần. Chính vì vậy, cảnh sát đã bắn Brisbon và anh này đã chết ngay tại hiện trường.
3. Tổng thống Nga đọc thông điệp Liên bang
Ngày 4/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đọc Thông điệp Liên bang trước Quốc hội Nga.
Đây là Thông điệp Liên bang lần thứ 21 trong lịch sử nước Nga mới, và là lần thứ 11 của Tổng thống Putin.
Những vấn đề quốc tế xung quanh mối quan hệ với Ukraine, Mỹ và châu Âu đã được Tổng thống Nga đề cập trước tiên trong Thông điệp Liên bang năm nay. Ông lên án cuộc đảo chính lật đổ Chính phủ ở Ukraine đầu năm 2014 và bảo vệ việc bán đảo Krym sáp nhập vào lãnh thổ Nga hồi tháng 3.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết: “Crimea có ý nghĩa thiêng liêng với nước Nga và người Nga sẽ mãi mãi nhìn nhận khu vực này theo cách đó. Nước Nga đã chứng minh mình có đủ khả năng bảo vệ đồng bào của mình. Bạo lực ở đông nam Ukraine cho thấy con đường của nước Nga là đúng đắn”.
Ông Putin cho rằng an ninh toàn cầu là một vấn đề lớn, trong đó có Ebola, cũng như việc Mỹ mở rộng và phổ biến hệ thống vũ khí trên toàn cầu.
4. Các cuộc biểu tình ở Mỹ bùng phát tại nhiều thành phố
Biểu tình lại bùng phát tại New York, Mỹ sau khi một bồi thẩm đoàn tại thành phố này ngày 3/12 tuyên bố không khởi tố đối với một sỹ quan cảnh sát bị cáo buộc ngộ sát trong vụ bắt giữ một người da màu bán thuốc lá trái phép, khiến người này tử vong. Vụ việc xảy ra khi làn sóng biểu tình trên khắp nước Mỹ về vụ cảnh sát bắn chết 1 thanh niên da màu tại Ferguson mới tạm lắng xuống.
Theo đó, hàng nghìn người biểu tình đã tập trung tại quảng trường Thời đại để phản đối phán quyết của bồi thẩm đoàn tại New York không khởi tố đối với một sỹ quan cảnh sát bị cáo buộc ngộ sát trong vụ bắt giữ Eric Garner và khiến người này tử vong khi bị khống chế kẹp cổ.
Tổng thống Mỹ Barack Obama ngay lập tức đã lên tiếng về vụ việc và cho rằng hành động này cho thấy những vấn đề to lớn mà những người thiểu số đang đối mặt với lực lượng thực thi pháp luật tại Mỹ.
Tổng thống Mỹ Barack Obama ngay lập tức đã lên tiếng về vụ việc và cho rằng hành động này cho thấy những vấn đề to lớn mà những người thiểu số đang đối mặt với lực lượng thực thi pháp luật tại Mỹ.
5. Ngoại trưởng 60 nước họp Liên minh chống IS
Ngày 3/12, tại trụ sở Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở thủ đô Brussels của Bỉ, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry chủ trì cuộc họp cấp cao đầu tiên của liên minh 60 nước do Mỹ chỉ huy bàn cách tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria.
NATO không tham gia liên minh này nhưng cho phép sử dụng trụ sở để tổ chức cuộc họp.
Theo các quan chức của liên mình chống IS, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi cùng ngoại trưởng các nước châu Âu, Arab và một số quốc gia khác sẽ thảo luận chiến lược quân sự chống IS một cách hiệu quả; ngăn chặn IS tuyển mộ chiến binh nước ngoài và loại bỏ "thương hiệu IS" hiện đang được nhiều người biết đến.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.