Các Trưởng đoàn tham dự Hội nghị cấp cao Đông Á chụp ảnh chung. (Ảnh: TTXVN)
1. Khai mạc Hội nghị cấp cao Đông Á
Ngày 13/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo ASEAN và một số nước đối tác đối thoại đã đến Trung tâm Hội nghị Quốc tế Naypyidaw để tham dự Hội nghị cấp cao Đông Á.
Tham dự Hội nghị cấp cao Đông Á ngoài lãnh đạo 10 nước ASEAN còn có các đối tác quan trọng đến từ Mỹ, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, New Zealand. Vấn đề được các nhà lãnh đạo Đông Á quan tâm nhất lần này là tăng cường phối hợp ứng phó nhanh với thảm họa, trong đó vấn đề thời sự nhất là dịch Ebola.
Tiếp theo Hội nghị cấp cao Đông Á là loạt Hội nghị cấp cao ASEAN+1 gồm Hội nghị cấp cao ASEAN - Mỹ lần thứ 2, Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 17. Tại các Hội nghị này, vấn đề Biến đổi khí hậu, tình hình Biển Đông và tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) là những vấn đề nổi bật được thảo luận.
2. Mỹ tái khẳng định chính sách xoay trục sang châu Á
Ngay trước lễ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh G20, có một sự kiện nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận, đó là Tổng thống Obama có bài phát biểu tại Đại học Queensland, Australia.
Tại chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến công du 8 ngày tới châu Á – Thái Bình Dương, Tổng thống Mỹ đã thẳng thắn thừa nhận nhiều người đang ngờ vực về khả năng nước Mỹ liệu có đủ nguồn lực để theo đuổi chính sách xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương hay không. Nhưng khi Mỹ càng phải đối mặt với nhiều nỗi lo thì đó là lúc Mỹ sẽ càng hướng về châu Á – Thái Bình Dương, vì thịnh vượng cũng như an ninh của chính nước Mỹ.
Tổng thống Mỹ Obama cho biết, tới cuối thập kỷ này Mỹ sẽ chuyển phần lớn sức mạnh hải quân của mình sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Mỹ cam kết làm điều này mà không ảnh hưởng tới sự toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia trong khu vực.
Tổng thống Obama cũng nhấn mạnh chính sách xoay trục trong thời gian tới sẽ không chỉ tập trung vào khía cạnh chính trị, quân sự mà cả các khía cạnh kinh tế bằng cách phát huy Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
3. 80% người dân Catalan ủng hộ quyết định độc lập
Trong tổng số xấp xỉ 2 triệu người tham gia một cuộc trưng cầu dân ý có tính biểu tượng về độc lập của xứ Catalan giàu có, trên 80% bỏ phiếu ủng hộ độc lập, theo các kết quả sơ bộ.
Dù không phải là cuộc trưng cầu dân ý chính thức nhưng 80% người dân muốn độc lập là tỉ lệ rất cao và cho thấy ý chí độc lập vẫn âm ỉ trong cộng đồng người Catalan. Xứ Catalan đóng góp đến 20% GDP Tây Ban Nhà và viễn cảnh Catalan độc lập sẽ khiến kinh tế đất nước chịu tổn thất to lớn.
Hàng triệu người Catalan đang vui mừng với kết quả cuộc thăm dò ý kiến. Mặc dù hy vọng mở ra một cuộc trưng cầu dân ý chính thức còn chưa rõ ràng nhưng người dân nơi đây rất kỳ vọng vào một sự thay đổi.
4. Thủ lĩnh IS bị thương sau cuộc không kích của Mỹ
Bộ Nội vụ Iraq hôm 9/11 xác nhận thủ lĩnh tối cao của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng Abu Bakr al-Baghdadi đã bị thương trong một cuộc không kích của liên quân do Mỹ đứng đầu.
Theo kênh truyền hình nhà nước Iraq, “cuộc không kích nhằm vào một nhóm phiến quân IS đã khiến Abu Bakr al-Baghdadi bị thương và một số thủ lĩnh cấp cao của lực lượng cực đoan này thiệt mạng”.
Về phía Mỹ, Washington cho biết hiện tại không có thông tin nào cho thấy al-Baghdadi đã bị thương hay liệu tên này có ở trong đoàn xe bị tấn công hay không. Tuy nhiên, vụ không kích vào đoàn xe quân sự trên đã làm bị thương ít nhất 50 đối tượng.
5. Ukraine củng cố lực lượng trước khả năng bị tấn công
Ngày 12/11, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Stepan Poltorak cho biết các lực lượng của Chính phủ nước này đang được bố trí lại để phòng bị trước khả năng lực lượng li khai phát động những cuộc tấn công mới ở khu vực miền Đông.
Phát biểu tại một cuộc họp Chính phủ, ông Poltorak nói: “Chúng tôi đang bố trí lại các lực lượng vũ trang để đối phó với những hành động của các tay súng (nổi dậy). Tôi biết nhiệm vụ chính hiện nay là chuẩn bị hành động quân sự”.
Theo quân đội Ukraine, lực lượng đòi li khai đang tăng cường sự hiện diện quanh thành phố Mariupol ở phía Đông Nam Ukraine, và việc kiểm soát được thành phố này có thể mở ra cánh cửa xuống các khu vực ở miền Nam Ukraine.
6. Hà Lan tìm thấy thêm thi thể nạn nhân của vụ máy bay MH-17
Các chuyên gia pháp y Hà Lan ngày 12/11 thông báo đã phát hiện thêm các bộ phận thi thể của những nạn nhân tại hiện trường vụ rơi máy bay MH17 của Hãng hàng không Malaysia Airlines ở miền Đông Ukraine hồi tháng Bảy vừa qua, song cho biết họ chưa thể bắt đầu hoạt động thu gom mảnh vỡ của chiếc máy bay xấu số này.
Bộ Quốc phòng Hà Lan cho biết sau khi một chiếc cần cẩu nhấc các mảnh vỡ của chiếc máy bay MH17 lên, một nhóm nhỏ chuyên gia pháp y đã thu được các phần thi thể còn sót lại của nạn nhân.
Nhóm chuyên gia Hà Lan này được điều tới hiện trường ở miền Đông Ukraine hôm 12/11, để tiếp tục điều tra vụ rơi máy bay. Họ hy vọng sớm có thể thu hồi được các mảnh vỡ của MH-17, trong bối cảnh gia tăng quan ngại về nguy cơ bùng nổ một cuộc giao tranh mới và "toàn diện" tại khu vực này.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.