Singapore quản lý nguồn nước như thế nào?

Thùy An-Thứ ba, ngày 18/06/2024 11:00 GMT+7

VTV.vn - Chiến lược quản lý nguồn nước của Singapore kết hợp công nghệ, ngoại giao và có cả sự tham gia của cộng đồng.

Là quốc đảo có diện tích vào khoảng hơn 700 km2, Singapore là một trong những quốc gia có mật độ dân số đông nhất hành tinh.

Với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, quốc đảo sư tử đang chuyển mình thành một trong những những trung tâm thương mại quốc tế hiện đại. Theo thống kê, sự bùng nổ dân số cũng như khách du lịch khiến lượng nước tiêu thụ của đất nước tăng hơn 12 lần so với năm 1965. Trong tương lai, Singapore được dự báo tiếp tục là thỏi nam châm thu hút các tập đoàn đa quốc gia cũng như du khách, nên nhu cầu về nguồn nước càng trở nên cấp thiết.

Không có tài nguyên nước tự nhiên, Singapore này phải dựa vào nhập khẩu nước từ nước láng giềng Malaysia. Theo nghiên cứu của Chính phủ Singapre, biến đổi khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, nước biển dâng cao và nhiệt độ trung bình tăng, dự kiến ​​sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh nguồn nước của quốc gia này.

"Đối với chúng tôi, nước không phải là món quà vô tận của thiên nhiên. Đó là một nguồn tài nguyên chiến lược và khan hiếm", cựu Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết tại một lễ khai trương cơ sở xử lý nước vào năm 2021.

"Chúng tôi luôn vượt qua giới hạn về nguồn nước của mình. Và việc sản xuất thêm mỗi giọt nước ngày càng khó khăn hơn và ngày càng tốn kém hơn", ông Lý cho biết thêm.

Để tìm kiếm giải pháp cho tình trạng căng thẳng về nước, Chính phủ Singapore đã dành nhiều thập kỷ để phát triển một kế hoạch tổng thể tập trung gồm những trụ cột chính: trữ nước, tái chế, khử muối và nhập khẩu.

Singapore quản lý nguồn nước như thế nào? - Ảnh 1.

"NEWater", nước thải đã qua xử lý hiện cung cấp 40% lượng nước cho Singapore và chính phủ nước này hy vọng sẽ tăng công suất lên 55% nhu cầu trong những năm tới (Ảnh: CNA)

Trên khắp hòn đảo, 17 hồ chứa chứa nước mưa, được xử lý thông qua một loạt quá trình đông tụ hóa học, lọc và khử trùng trọng lực nhanh chóng.

5 nhà máy khử muối, sản xuất nước uống bằng cách đẩy nước biển qua màng để loại bỏ muối hòa tan và khoáng chất, hoạt động trên khắp hòn đảo, tạo ra hàng triệu lít nước sạch mỗi ngày.

Bên cạnh đó là một chương trình tái chế nước thải quy mô lớn với công nghệ hiện đại sẽ lọc nước thải qua quá trình lọc vi mô, thẩm thấu ngược và chiếu xạ tia cực tím. Nguồn nước thu từ quá trình này cũng được bổ sung vào các bể chứa cung cấp cho cuộc sống sinh hoạt cho hàng triệu cư dân.

Được gọi với cái tên "NEWater", nước thải đã qua xử lý hiện cung cấp 40% lượng nước cho Singapore và chính phủ nước này hy vọng sẽ tăng công suất lên 55% nhu cầu trong những năm tới.

Để giúp xây dựng niềm tin của người dân vào sự an toàn của nguồn nước tái chế, Cơ quan Quản lý nước quốc gia Singapore (PUB) đã hợp tác với một nhà máy bia thủ công địa phương để tạo ra những lít bia làm từ nước thải đã qua xử lý.

Ông Harry Seah, phó giám đốc điều hành hoạt động tại PUB cho biết sự thay đổi có thể thực hiện được một phần nhờ sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân.

"Đôi khi khu vực tư nhân có thể có cách làm khác và bạn có thể học hỏi từ họ. Sự tham gia của các doanh nghiệp này đối với chúng tôi là rất quan trọng", ông Harry Seah nói.

Ông Seah cũng cho biết, sự tham gia và ủng hộ của cộng đồng cũng là một phương pháp hiệu quả để nâng cao nhận thức về việc giữ gìn và sử dụng một cách có trách nhiệm nguồn nước.

Singapore quản lý nguồn nước như thế nào? - Ảnh 2.

Các phóng viên thăm quan mô hình Marina Barrage tại Sustainable Singapore Gallery trong tour do Singapore International Foundation tổ chức

Năm 2006, Chính phủ Singapore đã phát động chương trình "Active, Beautiful, Clean Waters Program" nhằm biến hệ thống cung cấp nước của đất nước này thành các khu vực công cộng, nơi người dân có thể tham qua, ngắm cảnh và vui chơi.

Thông qua chương trình, người dân có thể đến chèo thuyền kayak, đi bộ đường dài và dã ngoại trên các hồ chứa chứa nước; thăm quan những con đập, từ đó mang lại giá trị cao hơn với những nơi cung cấp nguồn nước cho cả đất nước. Một số cơ sở cung cấp nước có không gian xanh, nơi mọi người dân, du khách có thể dã ngoại giữa những bãi cỏ xanh tươi lớn.

Ở trường học, trẻ em Singapore được dạy cách làm thể làm sử dụng nước một cách tiết kiệm và hiệu quả nhất. Tại trường, sẽ có các bài tập mô phỏng về việc phân phối nước trực quan cho học sinh ở các cấp.

Marina Barrage là con đập ở miền nam Singapore được xây dựng tại nơi hợp lưu của năm con sông. Bắt đầu được xây dựng từ tháng 3/2005 và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 10/2008, Marina Barrage là hồ chứa nước ngọt thứ 15 của Singapore. Nhờ nước trong hồ chứa phẳng lặng quanh năm, nơi đây là một địa điểm lý tưởng cho các hoạt động vui chơi dưới nước, từ chèo thuyền kayak cho đến hoạt động theo nhóm như đua thuyền rồng.

Đập nước Marina cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp giảm bớt ngập lụt ở một số khu vực thấp của đảo.

Khi mưa lớn, toàn bộ chín cửa của con đập sẽ được mở để xả bớt lượng nước mưa dư thừa ra biển, khi thủy triều thấp hơn mực nước trong đập. Khi thủy triều lên cao, những máy bơm khổng lồ có khả năng bơm một lượng nước tương đương thể tích một hồ bơi Olympic mỗi phút sẽ hoạt động, giúp thoát nước ra biển, qua đó giữ nước trong hồ luôn ổn định, bảo vệ các tuyến đường thủy và giảm thiểu nguy cơ ngập lụt.

Cộng đồng quốc tế cũng đã khai thác sự đổi mới về nước của Singapore. Đất nước này đã trở thành trung tâm công nghệ nước toàn cầu, là nơi đặt trụ sở của gần 200 công ty nước và hơn 20 trung tâm nghiên cứu và tổ chức Tuần lễ Nước Quốc tế hai năm một lần.

Bất chấp những bước nhảy vọt mà Singapore đã đạt được trong hành trình đảm bảo an ninh nguồn nước, ông Harrry Seah cảnh báo rằng việc tiếp tục tiến bộ là điều cần thiết đối với hòn đảo này.

"Sau hơn hai thập kỷ, chúng tôi vẫn không ngừng phân tích nước. Chúng tôi không bao giờ có thể tự mãn", ông Harrry Seah nhấn mạnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước