Đây là kết quả của một thí nghiệm mới sử dụng khả năng phát hiện chuyển động phối hợp với trí tuệ nhân tạo của các nhà khoa học thuộc Đại học Sussex (Anh).
Các nhà khoa học cố gắng bắt chước những động tác ngọ nguậy phức tạp của một em bé. Một camera phát hiện và ghi lại những nỗ lực của họ. Công nghệ này sử dụng thị giác máy tính và trí tuệ nhân tạo.
Nghiên cứu nói trên có tên "Baby Grow" - nghiên cứu mối liên hệ giữa các chuyển động (như ngọ nguậy, ngồi và bò) với các kỹ năng giao tiếp và xã hội của trẻ trong 18 tháng đầu đời. Nghiên cứu có được các cảnh quay chuyển động của trẻ nhờ các cảm biến được gắn trong quần áo của các em bé tham gia thí nghiệm.
Ông Ivor Simpson (Đại học Sussex, Vương quốc Anh) chia sẻ: "Mục tiêu của dự án này là tìm hiểu cách trẻ sơ sinh vận động và khả năng đây là dấu hiệu tiềm tàng của các tình trạng đa dạng thần kinh như tự kỷ. Vì vậy, những gì chúng tôi đang làm ở đây là sử dụng kỹ thuật từ thị giác máy tính, một ứng dụng của máy học nhằm xác định vị trí các chi của em bé theo thời gian và xem xét các cách thức di chuyển của bé".
Các nhà khoa học vẫn chưa biết những chuyển động nào của em bé có thể là dấu hiệu chẩn đoán sớm bệnh phân kỳ thần kinh. Các chuyên gia cho rằng những chuyển động ở giai đoạn đầu phát triển của trẻ không phải là tự nguyện mà là phản xạ. Bằng cách sử dụng các chuyển động khác nhau, trẻ sẽ kiểm tra và phát triển cơ bắp, cho phép bé bắt đầu khám phá thế giới xã hội và thể chất xung quanh mình.
Các nhà khoa học hiện đang tuyển dụng các ứng cử viên nhí tham gia nghiên cứu và tạo cơ hội cho các bậc cha mẹ trở thành các nhà khoa học tại chính ngôi nhà của họ. Mục tiêu là có 100 trẻ sơ sinh đăng ký tham gia dự án. Các nhà khoa học tin rằng chừng đó sẽ tạo ra đủ dữ liệu thuyết phục để họ phân tích.
Theo Giáo sư Gilly Forrester (Đại học Sussex, Vương quốc Anh): "Các bước tiếp theo của chúng tôi là suy nghĩ xem những đặc điểm nào trong vận động của trẻ có thể liên quan đến khả năng sẽ mắc bệnh. Chúng tôi hy vọng có thể chỉ ra những đặc điểm đó với cha mẹ và các bác sĩ gia đình sớm hơn, để em bé nhận được các biện pháp can thiệp vận động ngay trong thời gian sơ sinh, không đợi cho đến khi đứa trẻ thực sự phát triển những khiếm khuyết về giao tiếp và xã hội hay đợi đến khi bé chập chững biết đi hoặc lớn hơn nữa".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!