Hơn 3 tỷ người trên thế giới sống chung với các chứng bệnh rối loạn thần kinh

Quỳnh Chi (Theo Metro)-Thứ bảy, ngày 06/04/2024 06:12 GMT+7

Các rối loạn thần kinh ảnh hưởng đến 43% dân số thế giới, bao gồm cả chứng đau nửa đầu (Ảnh: Getty)

VTV.vn - Một nghiên cứu mới cho thấy gần một nửa dân số thế giới mắc chứng rối loạn thần kinh.

Một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã phát hiện ra sự gia tăng đáng kể các bệnh như đau nửa đầu, đột quỵ, bệnh Parkinson và chứng mất trí nhớ cũng như viêm màng não trong 30 năm qua, khiến 11,1 triệu người tử vong vào năm 2021.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng các rối loạn của hệ thần kinh ảnh hưởng đến 43% dân số thế giới - tức là khoảng 3,4 tỷ người, theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet.

Phân tích trong nghiên cứu Gánh nặng bệnh tật, thương tích và yếu tố rủi ro toàn cầu cho thấy tổng số lượng khuyết tật, bệnh tật và tử vong sớm do 37 chứng rối loạn thần kinh gây ra chỉ tăng hơn 18% từ năm 1990 (375 triệu người) đến năm 2021 (443 triệu người).

Các nhà nghiên cứu cho rằng điều này là do dân số toàn cầu đang già đi và tình trạng già hóa dân số ngày càng mở rộng, cũng như sự gia tăng tiếp xúc với các mối nguy liên quan đến quá trình trao đổi chất, môi trường và các yếu tố nguy cơ về lối sống như ô nhiễm, béo phì và chế độ ăn uống.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy những hậu quả về thần kinh của COVID-19 như suy giảm nhận thức và hội chứng Guillain-Barre dẫn đến yếu cơ, xếp thứ 20.

Tuy nhiên, các rối loạn thần kinh phổ biến nhất vào năm 2021 là đau đầu do căng thẳng với khoảng 2 tỷ trường hợp và chứng đau nửa đầu với khoảng 1,1 tỷ ca.

Các nhà nghiên cứu cho biết bệnh thần kinh tiểu đường - tổn thương thần kinh do bệnh tiểu đường gây ra - là bệnh lý phát triển nhanh nhất trong tất cả các chứng rối loạn thần kinh.

Hơn 3 tỷ người trên thế giới sống chung với các chứng bệnh rối loạn thần kinh - Ảnh 1.

Các trường hợp bị ảnh hưởng bởi chứng rối loạn thần kinh đang gia tăng (Ảnh: Getty)

Đồng tác giả - Tiến sĩ Liane Ong từ Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (IHME) - cho biết: "Số người mắc bệnh thần kinh tiểu đường đã tăng gấp hơn 3 lần trên toàn cầu kể từ năm 1990, lên tới 206 triệu người vào năm 2021. Điều này phù hợp với sự gia tăng tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường trên toàn thế giới".

Các nhà nghiên cứu cho biết, hơn 80% số ca tử vong do rối loạn thần kinh và suy giảm sức khỏe xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Điều này nêu bật sự khác biệt rõ rệt về gánh nặng bệnh tật về hệ thần kinh giữa các khu vực trên thế giới và mức thu nhập giữa các quốc gia.

Đồng tác giả - Tiến sĩ Tarun Dua - thông tin: "Tình trạng suy giảm sức khỏe hệ thần kinh ảnh hưởng không tương xứng đến nhiều quốc gia nghèo nhất, một phần do tỷ lệ mắc các bệnh ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 5 tuổi cao hơn, đặc biệt là các biến chứng và nhiễm trùng liên quan đến sinh nở".

Theo đánh giá trong năm 2021, 10 nguyên nhân hàng đầu gây suy giảm sức khỏe thần kinh gồm:

- Đột quỵ;

- Bệnh não sơ sinh (chấn thương não ở trẻ sơ sinh);

- Chứng đau nửa đầu;

- Viêm màng não;

- Bệnh động kinh;

- Bệnh thần kinh tiểu đường (tổn thương thần kinh do ảnh hưởng của bệnh tiểu đường);

- Bệnh Alzheimer và các bệnh mất trí nhớ khác;

- Biến chứng thần kinh do sinh non;

- Bệnh tự kỷ;

- Ung thư hệ thần kinh.

Nghiện mạng xã hội có thể dẫn đến rối loạn thần kinh Nghiện mạng xã hội có thể dẫn đến rối loạn thần kinh

VTV.vn - Tạp chí Hiệp hội Y học Mỹ mới công bố một nghiên cứu về sự liên hệ giữa việc sử dụng mạng xã hội và hội chứng ADHD (tăng động giảm chú ý).

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước