Phá bỏ định kiến "tuổi già không làm gì"
Phá bỏ định kiến chính là điều mà những người cao tuổi muốn hoạt động tích cực suốt đời phải làm. Họ đang cho thấy làm gì có chuyện "tuổi già không làm gì".
DJ Vika, 85 tuổi, là một cụ bà trẻ trung trong tâm hồn. "Tuổi già không phải là bệnh", bà nói, "Già không có nghĩa chỉ sống như một cái cây, ngồi trong nhà mà nhìn ra ngoài".
Sau khi nghỉ hưu, bà DJ Vika bắt đầu tổ chức các sự kiện dành cho người cao tuổi để "giúp họ thích nghi với thế kỷ 21". Bà DJ Vika cho rằng "nếu muốn đấu tranh cho quyền của mình, thì phải xuất hiện vì có nhận thức trong xã hội về người cao tuổi là phiền phức, chỉ cản trở người khác, già nua".
Bà DJ Vika, 85 tuổi, là một cụ bà trẻ trung trong tâm hồn (Ảnh: AFP)
Bà DJ Vika đã biểu diễn tại nhiều các cuộc diễu hành, lễ hội, lễ kỷ niệm ở cả trong và ngoài nước. Bà nói: "Tôi tin rằng tôi đang phục hồi chức năng cho người cao tuổi, giúp họ thích nghi với thời đại ngày nay".
Còn ở Quảng Ninh, Việt Nam, cụ Nguyễn Thị Việt Dung, 84 tuổi, mỗi ngày vẫn chạy 7 - 10 km từ 4h30 sáng, sau đó về làm việc tới 21h30 mới nghỉ. Trong giới chạy marathon, hầu như ai cũng biết cụ Dung vì năm nào cụ cũng đăng ký tham gia các giải chạy.
Cụ Dung kể, từ năm 45 tuổi, cụ đã bị những cơn đau nhức ở đầu gối và các khớp chân, sau đó cụ bị bệnh suy tim, nhịp tim thường xuyên rối loạn. Từ khi chạy bộ, cụ cảm thấy khỏe mạnh hơn, cơ thể dẻo dai hơn. Chăm rèn luyện sức khỏe, cụ Dung cũng ham học hỏi công nghệ thông tin, sử dụng mạng xã hội, tự học tiếng Anh…
Tuổi tác chỉ là con số
Nhiều người cao tuổi ở khắp nơi trên thế giới luôn vui sống mỗi ngày trong khả năng của mình, thậm chí có cả một giải Olympic cho người già, dù chỉ là một giải đấu không chính thức và mang tinh thần vui là chính.
Có lẽ đây là Olympic có một không hai trên thế giới khi các vận động viên ở độ tuổi 70 - 80. Đây là giải đấu đặc biệt dành cho người cao tuổi tại Los Angeles, Mỹ. Dẫu bàn tay đã run, đôi chân đã chậm nhưng các cụ vẫn nhiệt tình tham gia vào các môn thi chạy tiếp sức, bóng rổ và ném xa trong tiếng reo hò cổ vũ không ngớt của các cổ động viên.
Cụ Anthony Aquino (TP Los Angeles, bang California, Mỹ) chia sẻ: "Đây là môi trường tuyệt vời cho chúng tôi. Tôi nghĩ điều quan trọng là chương trình cho phép chúng tôi được là chính mình. Nhiều người trong chúng tôi thực sự đã thoát khỏi vỏ bọc. Tôi cảm thấy hài lòng về bản thân mỗi ngày và luôn mong chờ ngày mai".
Giải đấu đặc biệt dành cho người cao tuổi tại Los Angeles, Mỹ
Chị Jessica Kochu (Ban tổ chức chương trình) cho biết: "Rất nhiều người nghĩ rằng tuổi đã cao là không còn gì nữa. Sức khỏe không còn, khả năng cống hiến cho xã hội không còn… Thế nhưng ở đây chúng tôi không tin điều đó. Độ tuổi nào cũng có ý nghĩa, có tầm quan trọng. Các cụ vẫn còn khả năng tiếp tục phấn đấu, thể hiện bản thân mình".
Còn ở Trung Quốc, phong trao người cao tuổi tập thể dục cũng diễn ra hết sức sôi nổi. Tại các địa điểm công cộng như công viên, quảng trường, vào lúc sáng sớm hay chiều muộn, người ta có thể dễ dàng bắt gặp đông đảo người cao tuổi tập thể dục trong tiếng nhạc tươi vui.
Tập thể dục để vui sống và sống khỏe là hoạt động phổ biến của nhiều người cao tuổi trên khắp thế giới. Nhìn vào các cụ, người ta thấy sự vững chãi của tuổi già, thấy sự nỗ lực và tinh thần lạc quan, cho thấy tuổi tác chỉ là một con số.
Người già tạo ra "nền kinh tế tóc bạc"
Trung Quốc hiện là nơi có dân số người cao tuổi lớn nhất thế giới, với dân số từ 60 tuổi trở lên đã hơn 290 triệu người, chiếm hơn 20% dân số. Trung Quốc đã cam kết phát triển mạnh loại hình "kinh tế tóc bạc".
Kinh tế tóc bạc, hay còn gọi là kinh tế bạc, là động lực mới cho tăng trưởng với nhiều lĩnh vực trong chuỗi công nghiệp, phù hợp với xu hướng nâng cao chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi. Quy mô lĩnh vực này ước tính khoảng 7.000 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 974 tỷ USD/năm, sẽ tăng hơn gấp 4 lần vào năm 2035.
Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia đề xuất mở rộng mạnh kinh tế tóc bạc, nuôi dưỡng nhiều thương hiệu hơn, xây dựng nhiều cụm công nghiệp. Chính phủ Trung Quốc vừa công bố ưu đãi thuế và hỗ trợ tài chính cho các sản phẩm và dịch vụ dành cho người cao tuổi, với cam kết sẽ tăng cường nỗ lực để phát triển "nền kinh tế tóc bạc".
Đẩy mạnh tích hợp các thiết bị đầu cuối di động, robot dịch vụ để chăm sóc người cao tuổi tại nhà, tại nhà dưỡng lão, trong vài năm qua, các ứng dụng thanh toán di động đã nâng cấp dịch vụ để phục vụ người cao tuổi. Hơn 96% các chi nhánh ngân hàng trên cả nước đã thân thiện với người cao tuổi hơn.
Nhiều doanh nghiệp tại Trung Quốc cũng đang mở rộng cơ sở tuyển thêm giáo viên dạy các học thái cực quyền, y học cổ truyền, rèn luyện trí nhớ, chỉnh sửa video, dạy hát để đáp ứng nhu cầu học của người già tăng. Năm 2023, nhiều doanh nghiệp doanh thu tăng trưởng 2 con số khi số học viên đăng ký tăng vọt. Theo công ty tư vấn Frost & Sullivan, thị trường học tập dành cho người cao tuổi ở Trung Quốc sẽ tăng trưởng 34%/năm, tương đương gần 17 tỷ USD vào năm 2027.
Lão hóa có nghĩa là thêm 1 năm già đi, là thêm 1 năm khôn ngoan hơn. Dù ai cũng đều già đi nhưng khi trở thành người cao tuổi, việc đưa ra các lựa chọn trong cuộc sống hàng ngày có thể ngày càng khó khăn, chưa nói đến việc nghĩ các bước có thể dẫn đến một tương lai mạnh mẽ hơn, khỏe mạnh hơn và ổn định hơn. Dù về mặt tài chính, thể chất, xã hội hay tình cảm, một số lượng lớn người cao tuổi rất cần sự hỗ trợ từ bên ngoài để hướng tới chất lượng cuộc sống mà họ xứng đáng được hưởng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!