Nhật Bản là quốc gia châu Á có trình độ phát triển ở mức cao, hệ thống chính sách, pháp luật về an sinh xã hội được đánh giá là khá đầy đủ chi tiết, minh bạch và dễ áp dụng. Phần lớn người dân nước này đều tham gia bảo hiểm, trong đó có bảo hiểm điều dưỡng.
Người dân Nhật Bản, hoặc người nước ngoài sinh sống tại Nhật, đều có thể tham gia bảo hiểm điều dưỡng, bắt đầu từ tuổi 40 tuổi trở đi, để khi hết tuổi lao động, họ sẽ được nhà nước chăm sóc.
Cụ bà Emiko là một trong hơn 300 cụ bà và cụ ông đang được chăm sóc miễn phí tại Trung tâm Phúc lợi, chăm sóc sức khỏe người lớn tuổi Yanbaru trong làng Ogimi - ngôi làng được thế giới công nhận là làng trường thọ nhất thế giới. Năm nay, cụ Emiko đã 98 tuổi. Tuy đi lại không còn nhanh nhẹn nhưng giọng nói cụ vẫn sang sảng, rất vui vẻ.
Làng Ogimi có hơn 3.000 người dân. Gần một nửa trong số đó là người trên 65 tuổi, trong đó có tới 20 người trên 100 tuổi. Có người thì ở chung với con cháu, nhưng có người thì ở một mình. Nhưng các cụ không lo ngại cô đơn vì ban ngày họ có xe tới đón tận nhà để đi tới Trung tâm Phúc lợi, chăm sóc sức khỏe người lớn tuổi Yanbaru. Tại đây, họ được chăm sóc sức khỏe thể chất, dinh dưỡng và trò chuyện giao lưu với nhau, đến tối lại về nhà, hoặc có thể ngủ lại trung tâm. Mọi dịch vụ đều hoàn toàn miễn phí.
(Ảnh: jal.japantravel.com)
Người dân ở Okinawa có cụm từ riêng để nói là: "Hãy để thức ăn làm thuốc của bạn". Họ thích ăn nhiều khoai lang, mướp đắng, thực phẩm từ biển. Tất cả đều có tác dụng chống lão hóa. Tỷ lệ mắc bệnh tim, đột quỵ và ung thư ở cư dân làng Ogimi là thấp nhất trên thế giới.
Bên cạnh việc người dân có lối sống hài hoà với thiên nhiên, rèn luyện sức khỏe thể lực và tinh thần thì sự quan tâm, hỗ trợ cần thiết của Chính phủ và xã hội cũng là yếu tố khiến cho tuổi thọ của người dân Nhật Bản cao và luôn đứng đầu trên thế giới về chất lượng tuổi thọ.
Thỉnh thoảng, Trung tâm Phúc lợi, chăm sóc sức khỏe người lớn tuổi Yanbaru lại có khách đến tham quan và nghiên cứu về tuổi thọ. Được đón đoàn khách Việt Nam, các cụ rất vui vẻ, hồ hởi giới thiệu về cuộc sống ở ngôi làng nổi tiếng thế giới của các cụ và cũng không quên khuyên những người trẻ rằng: "Muốn sống thọ, sống khỏe thì hãy luôn tìm cách tạo niềm vui cho mình và hãy suy nghĩ tích cực!".
Không riêng Nhật Bản, có thể nói già hóa dân số là một xu hướng toàn cầu và tác động đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế xã hội. Giới chuyên gia cho rằng các xã hội có dân số già nên thực hiện các bước điều chỉnh chính sách công phù hợp với tỷ lệ người cao tuổi ngày càng tăng.
Không phải tất cả những người cao tuổi đều gắn với suy giảm thể chất, tinh thần và năng lực mà trong thực tế, có nhiều người cao tuổi - đặc biệt là trong độ tuổi 60 đến 75 tuổi vẫn có sức khỏe, năng lực làm việc tốt, có kinh nghiệm, có nhiều khả năng đóng góp, cống hiến cho cộng đồng và xã hội.
Do đó, cần quan tâm tạo dựng cho họ môi trường làm việc phù hợp, từ đó phát huy khả năng đóng góp của người cao tuổi cho xã hội. Các chính sách tạo việc làm, thu nhập cho người cao tuổi cần được thiết kế có tính đặc thù, tận dụng được tiềm năng, thế mạnh của họ và bao quát được nhiều đối tượng thụ hưởng. Việc chăm sóc và nâng cao chất lượng sống cho người cao tuổi là một vấn đề quan trọng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và phát triển đất nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!