Ô nhiễm không khí - Tác nhân gây ra gần 7 triệu ca tử vong mỗi năm

Chuyển động 24h-Thứ năm, ngày 07/09/2023 12:02 GMT+7

VTV.vn - Ô nhiễm không khí nguy hiểm hơn cả thuốc lá hay rượu bia, là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe toàn cầu.

Ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở Jakarta, Indonesia

Thành phố Jakarta của Indonesia liên tục đứng trong danh sách 10 thành phố ô nhiễm không khí nhất toàn cầu kể từ tháng 5. Người dân Jakarta những ngày qua đều cảm thấy ngộp thở vì khói mù dày đặc bao phủ thành phố, họ lại đeo khẩu trang trở lại, nhưng không phải vì dịch bệnh, mà vì ô nhiễm không khí. Trong vài ngày qua, chất lượng không khí tại Jakarta được đánh giá là 'không tốt cho sức khỏe'.

Ông Nofrizal - Cư dân Jakarta: "Về nhà sau một ngày là bụi đầy trong mũi, cả tay tôi cũng bẩn dù luôn đeo găng tay. Mà tôi còn đội mũ bảo hiểm kín rồi, chứ không thì sẽ bị hít hết vào phổi".

Bà Soti - Bệnh nhân phổi, Jakarta vốn mắc các vấn đề về hô hấp trong một thời gian dài, song vài tuần trở lại đây, bà cảm thấy khó thở hơn. Bác sĩ chẩn đoán đó là do ô nhiễm không khí. "Tôi sợ mình có thể chết nếu không được khám bệnh kịp thời. Có những lúc tôi không thở nổi, rất tệ và khi ấy cũng không ai đưa tôi đến bệnh viện".

Jakarta ghi nhận hơn nửa triệu ca mắc bệnh đường hô hấp mới từ đầu năm đến nay, nhiều ca bệnh phải nhập viện điều trị hơn và triệu chứng cũng nặng hơn.

Ông Agung Prasetyo - Chuyên gia các bệnh về phổi, Jakarta: "Nhiều bệnh nhân có bệnh nền là hen suyễn và phổi mãn tính đều đi khám thường xuyên, tình trạng đang rất ổn định cũng phàn nàn với chúng tôi rằng dạo gần đây họ ho nhiều và khó thở".

Ô nhiễm không khí - Tác nhân gây ra gần 7 triệu ca tử vong mỗi năm - Ảnh 1.

Để chống ô nhiễm không khí, bảo vệ sức khỏe người dân, chính phủ của Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã thực hiện nhóm giải pháp kết hợp bao gồm khuyến khích người dân làm việc từ xa để giảm mật độ giao thông đô thị, làm mưa nhân tạo ở các khu vực ô nhiễm nhất. Giải pháp dài hơi hơn là chuyển đổi sản xuất sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng thân thiện hơn với môi trường.

Nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí

Tổ chức Y tế thế giới WHO cảnh báo, ô nhiễm không khí là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng khi mà có tới 99% dân số thế giới đang sống trong môi trường có chất lượng không khí ở dưới mức tiêu chuẩn của WHO. Trong bầu không khí mù mịt khói bụi, khi bạn hít thở, vô số hạt bụi mịn và các phân tử ô nhiễm nhỏ li ti xâm nhập vào cơ thể. Tiếp xúc khói bụi trong thời gian dài sẽ đe dọa chức năng não bộ, tăng khả năng mất trí nhớ, kích thích các bệnh về mắt, ảnh hưởng tới tim mạch, tăng nguy cơ đột quỵ. Đe dọa chức năng phổi, tăng khả năng gây vô sinh và rất nhiều nguy cơ sức khỏe khác nữa.

Ô nhiễm môi trường không khí đến từ rất nhiều nguồn, cơ bản có hai nguyên nhân chính là từ yếu tố tự nhiên và hoạt động của con người. Như hoạt động giao thông vận tải, sản xuất công, nông nghiệp, xây dựng, đốt nhiên liệu sửa ấm. Trong đó, hình ảnh thường thấy ở các độ thị là khói bụi từ xe cộ và ống khói nhà máy, xí nghiệp làm mù mịt một khoảng trời. Chúng thải khí ô nhiễm như CO2, CO, NO, NO2 cùng một số chất hữu cơ khác với nồng độ cao.

Nguyên nhân thứ hai gây ô nhiễm không khí là những yếu tố tự nhiên bao gồm: Cháy rừng, những đám cháy sẽ sản sinh ra một lượng nito oxit khổng lồ và thải khói bụi và tàn tro vào không khí. Trong khi đó, núi lửa phun trào sản sinh lượng lớn khí metan, clo, lưu huỳnh khiến không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Ô nhiễm không khí - Tác nhân gây ra gần 7 triệu ca tử vong mỗi năm - Ảnh 2.

Gió là tác nhân gián tiếp gây ô nhiễm: Gió đưa bụi bẩn, các chất khí độc hại từ các nhà máy, thiên tai, đi xa và lan rộng. Điều này khiến mức độ ô nhiễm lây lan nhanh một cách chóng mặt.

London mở rộng khu vực thu phí xe gây ô nhiễm

Cuộc chiến chống ô nhiễm không khí giờ đang nóng lên hơn bao giờ hết, vì tác động sức khỏe đến người dân tại nhiều quốc gia. Tại Vương quốc Anh, theo nghiên cứu của đại học Cambridge, chất lượng không khí kém cũng khiến khoảng 30 nghìn người tử vong vì các bệnh lý mỗi năm.

Để giải quyết tình trạng này, thủ đô London, Anh chính thức mở rộng vùng Xanh, được gọi là khu vực khí thải cực thấp, bằng cách thu phí ô tô cũ gây ô nhiễm môi trường. Chính quyền nhấn mạnh, đây là biện pháp cần thiết để bảo vệ môi trường. Cho dù cũng có ý kiến cho rằng mức thu phí như hiện nay là cao và ảnh hưởng đến những người thu nhập thấp.

Ngày 29/8, chính quyền thành phố London thông báo mở rộng vùng phát thải cực thấp, bao phủ toàn bộ 9 triệu cư dân London và vùng phụ cận. Vùng phát thải cực thấp là nơi các chủ phương tiện ô tô có mức phát thải cao, gây ô nhiễm môi trường, khi đi vào phải trả phí. Mức phí 12,5 bảng, tương đương hơn 370 nghìn đồng/ngày.

Theo quy định của chính quyền London, xe ô tô được xác định gây ô nhiễm môi trường là những dòng xe chạy bằng xăng được đăng ký lần đầu trước năm 2006 (tuổi thọ ít nhất 17 năm) và xe chạy bằng dầu diesel được đăng ký lần đầu trước tháng 10/2015 (tuổi thọ ít nhất 8 năm).

Ô nhiễm không khí - Tác nhân gây ra gần 7 triệu ca tử vong mỗi năm - Ảnh 3.

Thị trưởng London Sadiq Khan cho biết, dù đây là quyết định không dễ dàng, song không thể trì hoãn. Vì khí thải của xe cộ đang gây ra biến đổi khí hậu và làm tăng chi phí chăm sóc sức khỏe.

Ông Sadiq Khan - Thị trưởng London, Anh: "Dù sẽ có những phản đối nhưng đó là quyết định đúng đắn với thành phố London. Được hưởng không khí sạch là một quyền chứ không phải một đặc ân. Tôi muốn những người ở ngoại ô London cũng được hưởng lợi từ nó".

Thành phố hỗ trợ 1 quỹ trị giá 160 triệu bảng, giúp các cá nhân, doanh nghiệp nhỏ chuyển đổi sang phương tiện đáp ứng tốt hơn tiêu chuẩn khí thải. Năm 2019, London đã trở thành thành phố đầu tiên trên thế giới thiết lập vùng phát thải cực thấp.

Tuổi thọ người dân Trung Quốc tăng vì không khí trong lành hơn

Bầu trời mù mịt từng là đặc trưng của Bắc Kinh và các thành phố lớn khác của Trung Quốc. Tình trạng ô nhiễm không khí tệ đến mức người dân thường xuyên phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà. Trước những hậu quả đến sức khỏe và chất lượng sống, kể từ năm 2014, Chính phủ Trung Quốc đã hạn chế số lượng ô tô chạy xăng trên đường ở các thành phố lớn; cấm xây dựng các nhà máy than mới ở những khu vực ô nhiễm nhất; cắt giảm khí thải hoặc đóng cửa các nhà máy hiện có. Đồng thời giảm các hoạt động công nghiệp gây ô nhiễm cao như: sản xuất sắt thép.

Ô nhiễm không khí - Tác nhân gây ra gần 7 triệu ca tử vong mỗi năm - Ảnh 4.

Chính sách đưa xe điện vào hệ thống giao thông cũng được đẩy mạnh. Hiện phần lớn các tỉnh thành tại Trung Quốc đã đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ ngừng cấp đăng kí xe ô tô chạy xăng, mà chỉ cho phép phương tiện xe điện lưu thông.

Một trong những biện pháp khác được Chính phủ Trung Quốc áp dụng là xây dựng những khu rừng xanh trong thành phố - biến các tòa nhà cao tầng thành rừng xanh thẳng đứng. Tại Thành Đô - một trong những trung tâm giao thông vận tải và giao thương quan trọng của Trung Quốc, một dự án nhà ở xanh thử nghiệm đã mang lại hiệu quả tích cực. Những cư dân ở đây mô tả cuộc sống tại Vườn Rừng Thành phố Qiyi đã mang đến cho họ không khí chất lượng tốt và quang cảnh xanh mát.

Bà Lin Dengying - Cư dân thành phố Thành Đô, Trung Quốc: "Không khí khá trong lành và tốt hơn nhiều so với ngôi nhà cũ của tôi. Bạn có thể hít thở thật sâu vào buổi sáng, cây xanh càng đặc biệt tốt cho những người già như tôi".

Cũng theo các cư dân ở đây, không gian xanh cũng đã được chứng minh là cải thiện sức khỏe, giảm căng thẳng, lo lắng và trầm cảm, cải thiện sự chú ý và tập trung. Những tiến bộ đạt được ở Trung Quốc cho thấy sự thay đổi là có thể thực hiện được nếu chính phủ và người dân sẵn sàng và nỗ lực thực hiện.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước