Nhiều nước châu Âu áp đặt lệnh giới nghiêm, tái phong tỏa cục bộ

Thế giới hôm nay-Thứ sáu, ngày 16/10/2020 06:00 GMT+7

VTV.vn - Suốt 1 tuần qua, châu Âu ghi nhận khoảng 100 nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày, mức cao nhất kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát.

Con số này tương đương 1/3 tổng số ca nhiễm mới COVID-19 hàng ngày của toàn cầu.

Đồ thị mô tả diễn biến dịch tại một số nước châu Âu trong 3 tháng trở lại đây cho thấy, tới đầu tháng 8 thì đường đồ thị khá bằng phẳng, cho thấy không có biến động ca nhiễm mới và tình hình trong tầm kiểm soát. Nhưng sang tháng 9 và tháng 10 thì đường biểu đồ bắt đầu dốc lên, khi số ca nhiễm mới tăng mạnh. Như tại Pháp trung bình mỗi ngày có khoảng 20 nghìn ca nhiễm mới, Anh thì khoảng 15 nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày.

Số ca nhiễm mới gia tăng trùng với thời điểm châu Âu bắt đầu mở cửa trở lại. Và giờ kịch bản cũ lại lặp lại. Nhiều nước áp đặt lệnh giới nghiêm, tái phong tỏa cục bộ để kiểm chế làn sóng dịch mới.

Lệnh phong tỏa một phần bắt đầu được thực thi tại một số nước

Đêm 14/10, Tổng thống Pháp thông báo sẽ áp đặt lệnh giới nghiêm tại thủ đô Paris cùng 8 thành phố lớn khác bắt đầu từ cuối tuần này. Không ai được ra khỏi nhà từ 21 giờ tới 6 giờ hôm sau, ngoại trừ có việc thiết yếu. Không tụ tập quá 6 người. Tình trạng y tế khẩn cấp quốc gia cũng được thiết lập lại từ cuối tuần này.

Nhiều nước châu Âu áp đặt lệnh giới nghiêm, tái phong tỏa cục bộ - Ảnh 1.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại nhà ga tàu hỏa ở Frankfurt, Đức, ngày 29/8/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Lệnh phong tỏa một phần cũng bắt đầu được thực thi tại CH Czech và Hà Lan từ ngày hôm qua.

Tại Czech, lệnh phong tỏa sẽ kéo dài 3 tuần, tất cả các nhà hàng, quán bar, phải đóng cửa đến đầu tháng 11. Cấm tụ tập trên 6 người cả trong nhà và ngoài trời đến khi hết tình trạng khẩn cấp. Người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang khi tham gia các phương tiện giao thông công cộng.

Còn tại Hà Lan, theo quy định mới, các cuộc tụ tập tại những điểm công cộng bị giới hạn không quá 4 người. Thời gian mở cửa của cửa hàng bán lẻ cũng sẽ bị hạn chế.

Bỉ hôm qua cũng áp đặt giới nghiêm tại 2 tỉnh. Với tình hình gia tăng dịch hiện nay, dự báo toàn bộ 2 nghìn giường chăm sóc đặc biệt của Bỉ sẽ bị lấp kín trong 1 tháng nữa. Bồ Đào Nha cấm tụ tập quá 5 người bắt đầu từ 15/10, Tây Ban Nha đầu tháng này cũng tái phong tỏa Thủ đô Madrid.

Làn sóng dịch thứ hai khác gì làn sóng thứ nhất hồi đầu năm?

Khác biệt lớn nhất là số tử vong rất thấp. Lấy ví dụ tại Bỉ, số người nhiễm mới lúc này, khoảng 7.000 người mỗi ngày, vượt xa đỉnh điểm hồi tháng Tư, nhưng số người tử vong mỗi ngày lại chỉ tương đương khoảng 1% so với hồi tháng Tư.

Khác biệt thứ hai là những người nhiễm mới trẻ tuổi hơn. Quá nửa số người nhiễm mới là từ 20 đến 30 tuổi, do đó số ca nặng phải nhập viện thở máy cũng ít hơn so với trước.

Nhiều nước châu Âu áp đặt lệnh giới nghiêm, tái phong tỏa cục bộ - Ảnh 2.

Du khách vẫn tấp nập ở Amsterdam (Hà Lan) dù làn sóng thứ hai của COVID-19 đang đe dọa châu Âu. Ảnh: CNN

Nếu quan sát kỹ, có thể thấy các biện pháp vừa ban hành đều nhằm hạn chế hoạt động của thanh niên từ 20 đến 30 tuổi. Dĩ nhiên không ai dám tuyên bố thẳng thừng, nhưng hầu như mọi biện pháp mới đều xoay quanh những hoạt động mà lứa tuổi này ưa thích.

Tâm lý người dân châu Âu đối với dịch bệnh bây giờ thế nào?

Mọi người mệt mỏi và mất niềm tin. Mệt mỏi vì không biết dịch bệnh còn kéo dài bao lâu, cuộc sống còn bị đảo lộn đến khi nào. Mệt mỏi vì các biện pháp phòng dịch thay đổi liên tục, có quá nhiều chi tiết phải tuân thủ, để khi ra đường không bị phạt vi cảnh. Và mệt mỏi vì trước sau gì cũng giảm thu nhập. Nhiều người đã mất việc, những người khác trong tình cảnh bấp bênh. Cộng thêm với mất niềm tin vào cách thức điều hành phòng chống dịch bệnh, mất niềm tin cả vào các biện pháp giới nghiêm hay phong tỏa cục bộ lúc này liệu có tác dụng gì không. Bây giờ có vẻ như mọi người cũng không sợ nhiễm virus như trước nữa, mà chỉ sợ lại phong tỏa diện rộng và nghiêm ngặt như hồi đầu hè.

Cách thức phòng dịch có thể khác nhau, nhưng cách tiếp cận chung tại châu Âu lúc này là sẽ không tái phong tỏa toàn bộ như trước kia, mà chỉ là phong tỏa cục bộ tại những điểm nóng. Như tại Đức thì để các bang tự quyết tùy tình hình mà áp đặt biện pháp phòng dịch.

WHO cũng đưa ra khuyến nghị mới cho các nước châu Âu, theo đó cần cân nhắc các yếu tố xã hội, tâm lý và cảm xúc của người dân khi ban bố lệnh phong tỏa hoặc các quy định phòng dịch khác.

Châu Âu ban hành quy tắc xác định cấp độ dịch COVID-19 Châu Âu ban hành quy tắc xác định cấp độ dịch COVID-19 Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại châu Âu Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại châu Âu Dịch COVID-19 diễn biến khó lường tại nhiều quốc gia châu Âu Dịch COVID-19 diễn biến khó lường tại nhiều quốc gia châu Âu

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước