Theo ước tính, đến năm 2029, Thái Lan sẽ gia nhập danh sách các xã hội siêu già hóa với hơn 20% dân số trên 65 tuổi. Tuy nhiên, nguồn thu nhập, tiết kiệm và mức lương hưu hạn chế đồng nghĩa với việc nhiều người già tại quốc gia này đang phải chịu cảnh sống nghèo khổ. Đây được xem là gánh nặng tài chính lớn cho quốc gia Đông Nam Á này.
Dưới trời nắng nóng, những hàng dài người vẫn kiên trì xếp hàng trên một đoạn phố ở thủ đô Bangkok của Thái Lan để được nhận bữa ăn miễn phí. Nơi này cung cấp bữa ăn hàng ngày cho 500 người vô gia cư và người nghèo của thành phố. Trong số họ có nhiều người cao tuổi.
Bà Noi, người dân thành phố Bangkok, nói: "Tôi sống với khoản trợ cấp 900 Baht mỗi tháng. Tôi phải chi tiêu càng ít càng tốt. Nếu trời mưa không đi ra ngoài được, sẽ ăn bánh mì với tương cà cho xong bữa".
900 Baht mỗi tháng, chỉ tương đương 600.000 đồng. Với số tiền hạn chế này, nhiều người cao tuổi phải chật vật xoay xở, trong khi nền kinh tế Thái Lan chưa sẵn sàng trước tình trạng quốc gia này đang trên đà trở thành một trong những xã hội già hóa nhanh nhất thế giới. Ước tính, chỉ trong 6 năm nữa, hơn 20% dân số Thái Lan sẽ trên 65 tuổi. Tuy nhiên, quốc gia này vẫn chưa đạt được mức độ giàu có như một số xã hội già hóa khác, ví dụ Nhật Bản và Đức.
Ông Burin Adulwattana, Nhà kinh tế trưởng, Ngân hàng Kasikorn, Thái Lan, cho biết: "Ở Thái Lan, trước khi trở nên giàu có thì chúng tôi đã già. Chúng tôi là một trong những quốc gia có thu nhập trung bình nhưng đã trở thành xã hội siêu già".
Theo nghiên cứu, tình trạng nghèo đói ở người cao tuổi Thái Lan đang ngày càng tăng, với 34% người sống dưới mức nghèo khổ với mức thu nhập dưới 830 USD/năm, tương đương 20 triệu đồng. Giới chức Thái Lan đã cam kết về gói phúc lợi người cao tuổi trị giá 8,1 tỷ USD, nhưng chính phủ nước này chưa công bố bất kỳ khoản tăng lương hưu nào.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!