Nhiều nước châu Á đối diện với tình trạng già hóa dân số

Thế giới hôm nay-Thứ sáu, ngày 20/01/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn - Không chỉ riêng Trung Quốc, những nền kinh tế lớn của châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản đều đang đối diện với tình trạng già hóa dân số, tỷ lệ sinh giảm kỷ lục.

Vợ chồng chị You Shu-yun và anh Yan Sheng - Thành phố Thượng Hải, Trung Quốc thích dành thời gian cho cậu con trai 3 tuổi của họ, nhưng cho biết họ không có ý định sinh thêm con. "Tôi có sự nghiệp của mình và có những mục tiêu cao hơn cần vươn tới. Vì tôi đã có một con rồi, tôi có thể tận hưởng niềm vui bên bé. Tôi không thấy cần phải sinh con thứ hai".

Quyết định tương tự của rất nhiều cặp vợ chồng là lý do đằng sau sự sụt giảm lịch sử của dân số Trung Quốc. Sự sụt giảm khoảng 850.000 người trong năm 2022 đã báo động cho các nhà nhân khẩu học và nhà phân tích về những vấn đề đối với nền kinh tế nếu xu hướng này tiếp tục.

Trong khi đó tại Hàn Quốc, tỷ suất sinh là dưới 1 con/phụ nữ. Theo dự báo, Hàn Quốc sẽ vượt qua ngưỡng của một xã hội siêu già hóa vào năm 2025. Khi đó, số người già từ 65 tuổi trở lên sẽ chiếm 1/5 dân số.

Nhiều nước châu Á đối diện với tình trạng già hóa dân số - Ảnh 1.

Anh Kim Do-kyun - Thành phố Seoul, Hàn Quốc: "Số người trong độ tuổi lao động liên tục giảm. Điều này sẽ làm giảm năng lực cạnh tranh của đất nước chúng tôi. Về an ninh quốc gia, tôi lo ngại sẽ có lỗ hổng khi số người có thể phục vụ trong quân đội tiếp tục giảm".

Ông Shivaji Das - Giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Tập đoàn tư vấn Frost&Sullivan: "Tôi nghĩ rằng điều sẽ diễn ra ở nhiều quốc gia phương Tây cũng như tại châu Á - Thái Bình Dương đó là việc nới lỏng chính sách nhập cư. Hiện giờ chúng ta đã thấy những nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và cả Trung Quốc cố gắng thu hút lao động nước ngoài".

Tại Nhật Bản, năm ngoái là năm thứ 9 liên tiếp dân số nước này suy giảm. Nhật Bản hiện là nước đứng đầu thế giới về tỉ lệ người cao tuổi trong tổng dân số với hơn 29%.

Tỷ lệ sinh thấp và dân số già hóa đặt ra mối lo ngại về thiếu hụt nguồn nhân lực, làm tăng chi phí trợ cấp xã hội, đồng thời giảm triển vọng tăng trưởng của Nhật Bản cũng như các nền kinh tế châu Á khác.

Nhiều nước châu Á đối diện với tình trạng già hóa dân số - Ảnh 2.

Thách thức từ dân số giảm

Nhật Bản từ lâu đã được biết đến là quốc gia châu Á điển hình cho tình trạng già hóa dân số. Tình trạng giảm dân số, già hóa, ít trẻ em dẫn đến những hệ lụy vô cùng nặng nề cả về phương diện kinh tế và xã hội đối với Nhật Bản, vấn đề này đang ngày càng trầm trọng trong những năm gần đây.

Giảm dân số có thể dẫn đến thu hẹp toàn bộ nền kinh tế, khi mang lại ảnh hưởng kép là gây thiếu nhân lực cho ngành sản xuất, dịch vụ, cung ứng hàng hóa, đồng thời cũng làm giảm sức mua, tiêu dùng các hàng hóa, dịch vụ này. Giảm dân số cũng dẫn đến giảm số người lao động có khả năng gánh vác hệ thống bảo hiểm xã hội của Nhật Bản, gây khó khăn cho việc duy trì và kiện toàn hệ thống này.

Cùng với sự sụt giảm dân số, nguồn chi cho lương hưu, y tế, chăm sóc sức khỏe và các bảo hiểm xã hội khác lại tăng nhanh. Chi phí an sinh xã hội ngày càng tăng đang đặt ra áp lực lớn thế hệ trẻ của Nhật Bản.

Yếu tố cản trở lớn nhất là vấn đề tài chính


Nhiều nước châu Á đối diện với tình trạng già hóa dân số - Ảnh 3.

Nhiều yếu tố đang cản trở việc kết hôn và sinh con đối với thanh niên của Nhật Bản, có đến hơn 50% số người được hỏi cho rằng yếu tố cản trở lớn nhất là vấn đề tài chính. Để cải thiện tình hình, Chính phủ Nhật Bản đang đưa ra nhiều hỗ trợ để khuyến khích kết hôn và sinh con, gần đây nhất Thủ tướng Kishida Fumio cũng đã cam kết tăng gấp đôi ngân sách cho việc hỗ trợ chăm sóc trẻ em, bao gồm cả việc cấp thêm tiền cho những cặp vợ chồng, như sẽ hỗ trợ khoảng 700 USD cho các cặp vợ chồng khi mang thai và 600 USD khi sinh con.

Hiện tỷ lệ sinh của Nhật Bản đang giảm xuống 1,34 tức là cứ trung bình 1 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sẽ có 1,34 trẻ em, nếu Nhật Bản muốn chặn đứng đà giảm dân số thì cần cải thiện tỷ lệ sinh lên 1,8 vào năm 2030 và 2,07 vào năm 2040, đây là mục tiêu không hề dễ thực hiện với những gì đang diễn ra tại đất nước này.

Châu Á chiếm hơn một nửa trong 8 tỉ người trên thế giới, nhưng bức tranh dân số tại khu vực có sự tương phản rõ rệt giữa các quốc gia có dân số trẻ và ngày càng gia tăng, với các quốc gia có dân số già và ngày càng suy giảm. Dù ở phía nào, xu hướng dân số đang cho thấy những tác động ngày càng sâu sắc hơn đến kinh tế và xã hội tại châu Á.

Tỉ lệ sinh giảm mạnh, Trung Quốc lo ngại già hóa dân số Tỉ lệ sinh giảm mạnh, Trung Quốc lo ngại già hóa dân số

VTV.vn - Tỷ lệ tăng dân số thuộc diện thấp hàng đầu thế giới đang làm dấy lên nhiều lo ngại về tình trạng dân số già hóa tại Trung Quốc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước