Ông Trump xuất hiện trên sân khấu trung tâm hội nghị ở West Palm Beach, bang Florida ngày 6/11/2024, cùng vợ và con trai (Nguồn: AP)
Trong bài phát biểu chiến thắng tại trung tâm hội nghị ở bang Florida trước những người ủng hộ, ông Donald Trump nhấn mạnh khoảnh khắc này "sẽ giúp đất nước chữa lành". Ông cam kết sẽ "chiến đấu vì người dân mỗi ngày" và sẽ đưa đất nước bước vào "thời kỳ hoàng kim".
Vị thế của ông Trump trong nhiệm kỳ mới có thể sẽ càng vững chắc hơn nữa, với việc Đảng Cộng hòa đã giành được quyền kiểm soát Thượng viện Mỹ, và nhiều khả năng có thể là cả Hạ viện. Đây sẽ là cơ sở để ông tiến hành nhiều thay đổi lớn đối với hệ thống chính phủ Mỹ, nền kinh tế, và các mối quan hệ quốc tế.
Sự tập trung quyền lực vào Văn phòng Tổng thống
Một trong những trọng tâm trong chương trình nghị sự cấp tiến mà ông Trump đề ra, là kế hoạch tập trung quyền lực của chính quyền liên bang vào văn phòng Tổng thống.
Trong các cuộc vận động tranh cử, ông Trump đều thể hiện rằng các đề xuất đầy tham vọng nhất của ông sẽ được thực hiện thông qua hàng loạt những hành động hành pháp: đóng cửa biên giới phía nam và trục xuất hàng loạt người di cư; áp đặt thuế quan trên diện rộng đối với hàng hóa nhập khẩu; giảm bớt vai trò của Mỹ trong các liên minh quân sự.
Ngoài ra, ông Trump cũng tỏ rõ quan điểm sẽ "thay đổi tận gốc" bộ máy hành chính liên bang bằng cách giảm bớt số lượng công chức, tinh gọn bộ máy. Ông cũng nhắm đến việc hạn chế quyền lực về ngân sách của Đồi Capitol bằng cách kiểm soát các quỹ do Quốc hội phân bổ. Ông Trump cũng cam kết xóa bỏ các rào cản về mặt thể chế vẫn tồn tại trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông.
Douglas Brinkley, một nhà sử học về tổng thống, cho biết: "Ông Trump đang hướng tới việc quay trở lại với tư cách là một Tổng thống có nhiều quyền lực hơn và dần thu hẹp ảnh hưởng của Quốc hội".
Tuy nhiên, kế hoạch của ông Trump liệu có thể thành công hay không vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải. Mục tiêu quản lý bằng sắc lệnh hành pháp của ông chắc chắn sẽ vấp phải rất nhiều thách thức pháp lý. Chuyên gia Brinkley cho biết: "Với mỗi nước cờ mà ông Trump thực hiện với tư cách là Tổng thống, ông sẽ phải đối mặt với những rào cản, thậm chí là cả một trận chiến tại tòa án".
Những trận chiến pháp lý được dự báo có thể sẽ bắt đầu ngay từ những ngày đầu nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump, khi ông cho biết sẽ ký một loạt các sắc lệnh hành pháp để đóng cửa biên giới Mỹ - Mexico và trục xuất những người di cư không có giấy tờ. Một ý định cũng sẽ gây nhiều tranh cãi khác là việc ông Trump có kế hoạch ân xá cho hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả những người ủng hộ ông, bị buộc tội tấn công Điện Capitol vào ngày 6/1/2021.
Các chính sách thúc đẩy sản xuất, tăng trưởng và bảo vệ thị trường nội địa
Các vấn đề kinh tế là yếu tố thuyết phục nhiều cử tri Mỹ bỏ phiếu cho ông Donald Trump, thay vì đối thủ Kamala Harris. Người dân kỳ vọng ông sẽ có thể tái hiện những kết quả tích cực trong nhiệm kỳ đầu làm Tổng thống Mỹ trong lần quay trở lại Nhà Trắng này.
Dù chưa đưa ra một lộ trình cụ thể, chính sách kinh tế chủ đạo của ông Trump gần như chắc chắn sẽ ưu tiên phát triển nội lực Mỹ, đặc biệt là bằng việc đẩy mạnh hoạt động sản xuất trong nước. Ông từng cam kết sẽ giảm 15% thuế doanh nghiệp cho các công ty sản xuất nội địa. Ngoài ra, ông còn hứa hẹn giảm mạnh thuế thu nhập cá nhân, thậm chí từng đề cập khả năng bỏ luôn loại thuế này.
Các biện pháp trên được cho là có thể tác động tích cực đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và chi tiêu của người dân. Ông Carsten Brzeski - chuyên gia kinh tế trưởng tại ngân hàng ING đánh giá, "Nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump sẽ là tin tức tốt cho kinh tế Mỹ trong thời gian tới. Việc cắt giảm thuế, giảm bớt các quy định, sẽ giúp thúc đẩy kinh tế Mỹ, ít nhất là trong ngắn hạn".
Thị trường chứng khoán Mỹ ngay lập tức đã phản ứng tích cực với kết quả bầu cử. Trong phiên giao dịch ngày 6/11, cả ba chỉ số chính của Phố Wall đều đạt mức cao kỷ lục, trong đó, chỉ số Dow Jones tăng hơn 1.500 điểm – đánh dấu lần đầu tiên kể từ tháng 11/2022, chỉ số này có ngày giao dịch tăng hơn 1 nghìn điểm.
Ấn tượng hơn cả là chỉ số Russell 2000 của nhóm cổ phiếu giá trị vốn hóa nhỏ. Chỉ số đã đạt mức tăng gần 6% nhờ kỳ vọng, các doanh nghiệp sản xuất nhỏ tại Mỹ sẽ được hưởng lợi từ các đề xuất chính sách của ông Trump như giảm thuế doanh nghiệp và bảo hộ thị trường nội địa.
Cổ phiếu hãng xe điện Tesla cũng đã tăng vọt gần 15% trước khả năng công ty sẽ hưởng lợi lớn từ các chính sách của ông Donald Trump. Nhóm cổ phiếu ngân hàng lớn cũng bứt phá, với kỳ vọng doanh thu giao dịch và lợi nhuận sẽ lớn hơn. Cổ phiếu của Wells Fargo chốt phiên tăng 13,1%, trong khi JPMorgan Chase tăng 11,54%.
Bà Janet Mui, trưởng bộ phận phân tích thị trường tại RBC Brewin Dolphin's nhận định, "Ông Trump đang đề xuất cắt giảm thuế, điều này rất có lợi cho các doanh nghiệp của Mỹ. Bên cạnh đó, ông ấy cũng đề xuất giảm bớt các quy định, và điều này sẽ mang lại lợi ích cho các công ty trong ngành tài chính".
Tuy nhiên, căng thẳng thương mại có thể gia tăng, khi ông Donald Trump dự kiến, nguồn thu sụt giảm do việc giảm thuế sẽ được bù đắp bởi chính sách tăng thuế nhập khẩu. Ông đã cam kết sẽ áp dụng các biện pháp bảo hộ thương mại, áp mức thuế ít nhất 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu, và mức thuế từ 60% - 100% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Gần đây, ông Trump cũng đe dọa sẽ áp thuế lên tới 100 % đối với Mexico, đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất của Mỹ trong năm 2024.
Ông Trump đã nhấn mạnh rằng mức thuế của ông sẽ tạo ra việc làm trong nước và giải phóng nước Mỹ khỏi sự phụ thuộc vào ngành sản xuất nước ngoài. "Thay vì đưa sản phẩm từ Trung Quốc vào, với nhiều chi phí bổ sung, cuối cùng chúng ta sẽ sản xuất sản phẩm ngay tại nước Mỹ."
Một số ý kiến lo ngại, các biện pháp thuế quan của ông Trump có thể khiến quan hệ giữa Mỹ và các nước căng thẳng hơn, từ các đồng minh như châu Âu, Nhật Bản, cho tới các đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc. Thuế quan cũng có thể làm gia tăng áp lực lạm phát và khiến người tiêu dùng chịu thiệt hại. Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ (NRF) mới đây cho biết, người tiêu dùng nước này có thể mất tới 78 tỷ USD sức mua hàng năm nếu đề xuất thuế quan mới của ông Donald Trump đối với hàng nhập khẩu được thực hiện.
Những biến động trong chính sách đối ngoại
Đối với các vấn đề quốc tế, trong bài phát biểu chiến thắng, ông Trump đã khẳng định sẽ ngăn chặn mọi cuộc chiến tranh đang diễn ra trên toàn cầu. Mối quan tâm hàng đầu của cộng đồng quốc tế hiện nay là ông Donald Trump sẽ giải quyết các điểm nóng xung đột của thế giới là Ukraine và Trung Đông như thế nào.
Ông Trump từng nhiều lần tuyên bố có khả năng chấm dứt xung đột Ukraine trong vòng 24 giờ nếu tái đắc cử, khi mời các nhà lãnh đạo của cả hai bên vào đàm phán. Tuy nhiên, ông vẫn chưa nói rõ sẽ làm điều đó bằng cách nào.
Với Trung Đông, ông Trump có quan điểm ủng hộ Israel trong cuộc xung đột với lực lượng Hamas ở Dải Gaza nhưng cũng đã thúc giục Tel Aviv ngừng bắn. Theo Hãng tin Reuters, ông Trump có thể sẽ tiếp tục chính sách của chính quyền Tổng thống Biden cung cấp vũ khí cho Israel, đồng thời có khả năng tiếp tục thúc đẩy bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Arập Xêút, một nỗ lực mà ông đã thực hiện trong nhiệm kỳ tổng thống trước đó. Song song với đó là các nỗ lực nhằm gây sức ép lên Iran và các nhóm quân sự thân Tehran trong khu vực.
Chính sách đối ngoại của Mỹ cũng được dự báo sẽ có những thay đổi lớn, khi ông Trump đã cam kết sẽ rút khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris một lần nữa, sau khi Mỹ tái gia nhập thỏa thuận dưới thời Tổng thống Joe Biden. Ông cũng có thể hạn chế sự hợp tác của Mỹ với các tổ chức của Liên hợp quốc mà chính quyền của ông chỉ trích, như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Đối với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), rủi ro biến động là thấp hơn, bởi hiến chương NATO không có cơ chế rút lui. Quốc hội Mỹ gần đây cũng đã thông qua một đạo luật nhằm bảo vệ tư cách thành viên của Mỹ trong liên minh.
Tuy nhiên, ông Trump vẫn có thể gây sức ép lên các nước thành viên trong các vấn đề như chi tiêu quốc phòng chung, hay chia sẻ gánh nặng hỗ trợ chi phí quân sự cho Ukraine. Những áp lực tương tự cũng sẽ gia tăng với các đồng minh của Mỹ tại châu Á như Hàn Quốc và Nhật Bản.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!