Theo đó, Nga đã đáp trả gói trừng phạt thứ 15 của EU bằng cách mở rộng đáng kể danh sách các quan chức của EU và những nước thành viên EU bị cấm nhập cảnh vào nước này.
Trước đó, vào ngày 16/12, Hội đồng châu Âu đã thông qua gói trừng phạt thứ 15 đối với Nga, nhắm vào năng lực quân sự, công nghiệp và doanh thu xuất khẩu của nước này. Hội đồng châu Âu cho biết trong một tuyên bố rằng các biện pháp này giải quyết vấn đề lách lệnh trừng phạt của EU bằng cách nhắm vào đội tàu chở dầu ngầm của Nga.
Hôm 23/12, EU đã áp đặt gói trừng phạt Nga thứ 15, tập trung vào các nỗ lực làm suy yếu năng lực quân sự, công nghiệp của Nga và nhắm vào doanh thu xuất khẩu của nước này.
Lần đầu tiên các hạn chế hoàn toàn đã được áp dụng đối với "nhiều tác nhân Trung Quốc" mà Liên minh châu Âu cáo buộc cung cấp các bộ phận máy bay không người lái cho Nga.
Trong tuyên bố mới nhất, Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ Moscow đã đáp trả bằng cách bổ sung nhiều đại diện chưa được nêu tên của các cơ quan an ninh, tổ chức nhà nước và thương mại của các nước EU, cũng như công dân những nước thành viên liên minh chịu trách nhiệm cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine" vào danh sách cấm.
Trước đó, vào ngày 27/12, viết trên kênh Telegram, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev tuyên bố sau khi kết thúc cuộc chiến tranh hỗn hợp của phương Tây chống lại Nga, châu Âu phải bị trừng phạt, Mỹ nên bị phớt lờ và "các nước yếu" cần được tha thứ.
Theo ông Medvedev, chính châu Âu đã trở thành thành trì chính của chủ nghĩa bài Nga trên thế giới, phá bỏ các hiệp định Istanbul và thúc đẩy chiến dịch trừng phạt.
Nga từ lâu đã chỉ trích các biện pháp nhắm vào nền kinh tế và thương mại của nước này. Trong khi đó, nhiều chuyên gia ở cả Nga và phương Tây đều cho rằng các biện pháp trừng phạt đơn phương gây hại cho các quốc gia áp đặt chúng nhiều hơn là cho nước Nga.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!