Bên cạnh đó, Triều Tiên đã triển khai binh sĩ để tham gia chiến đấu trong cuộc xung đột Ukraine. Nhật Bản cho biết nước này có thể làm theo và đưa ra các hạn chế mới đối với hai quốc gia này.
Theo một tuyên bố từ Bộ Tài chính Mỹ vào cuối ngày 16/12, lệnh trừng phạt mới nhất của Washington nhắm vào các ngân hàng, tướng lĩnh và quan chức khác của Triều Tiên, cũng như các công ty vận chuyển dầu của Nga.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết vào ngày 17/12 rằng nước này đã đưa 11 cá nhân và 15 thực thể của cả Nga và Triều Tiên vào danh sách đen bị cáo buộc có liên quan đến "hợp tác quân sự bất hợp pháp" giữa hai quốc gia này. Danh sách đen bao gồm Ri Pong-chun - vị tướng bị cáo buộc là người chỉ huy quân đội của Bình Nhưỡng được triển khai đến tiền tuyến Nga - Ukraine.
Vào ngày 16/12, EU đã đưa Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Triều Tiên No Kwang-chol và Phó Tổng Tham mưu trưởng Kim Yong-bok vào gói trừng phạt thứ 15 đối với Nga. Lệnh trừng phạt của EU cũng nhắm vào 52 cá nhân và 30 thực thể khác, chủ yếu là các công ty quốc phòng và công ty vận tải biển của Nga, cũng như hơn 50 tàu liên quan đến xuất khẩu năng lượng của Moscow.
Những biện pháp trừng phạt này được đưa ra sau khi các quốc gia thành viên G7 cùng với Hàn Quốc, Australia và New Zealand đưa ra tuyên bố chung vào ngày 16/12, trong đó lên án sự hợp tác quân sự ngày càng sâu sắc giữa Triều Tiên và Nga, bao gồm cả việc triển khai quân đội Triều Tiên đến Nga để tham gia chiến đấu trên chiến trường chống lại Ukraine.
Tổng thống Nga Putin bắt tay nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trước cuộc gặp song phương tại Bình Nhưỡng, Triều Tiên, ngày 19/6 (Ảnh: Sputnik)
Nhóm này đã cam kết hành động trừng phạt phối hợp, cảnh báo rằng việc Triều Tiên hỗ trợ trực tiếp cho hoạt động quân sự của Nga đánh dấu sự mở rộng nguy hiểm của cuộc xung đột, với hậu quả nghiêm trọng đối với an ninh châu Âu và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".
Đã có nhiều báo cáo trên phương tiện truyền thông phương Tây về việc quân đội Triều Tiên được triển khai đến Nga, điều mà Moscow không xác nhận cũng không phủ nhận. Lầu Năm Góc đã đánh giá vào tháng 10 rằng Triều Tiên có thể đã gửi 10.000 quân đến Nga, một phần trong quân số này đang hướng đến khu vực Kursk, nơi Kiev đã phát động một cuộc tấn công xâm nhập vào tháng 8. Tháng 11, nhà lãnh đạo Ukraine Zelensky tuyên bố rằng Bình Nhưỡng có thể gửi tới 100.000 quân để chống lại Kiev.
Tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS vào tháng 10, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết sự hợp tác giữa Moscow với Bình Nhưỡng dựa trên hiệp ước đối tác quốc phòng được ký kết vào đầu năm nay. Ông lưu ý rằng hiệp ước này có các điều khoản phòng thủ chung, bao gồm một điều khoản nêu rõ hai nước sẽ hỗ trợ quân sự lẫn nhau nếu một trong hai bên bị tấn công. Nhà lãnh đạo Nga cho biết thêm rằng Moscow và Bình Nhưỡng sẽ quyết định cách thực hiện điều khoản này.
Những phát biểu tương tự đã được Đại sứ Triều Tiên tại Liên hợp quốc Kim Song đưa ra vào tháng 11. Theo đó, Bình Nhưỡng sẽ trung thành duy trì các nghĩa vụ của mình theo hiệp ước, mà ông cho biết là hoàn toàn tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!