Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, nhậm chức vào ngày 1/1/2023, đã cam kết chấm dứt tình trạng phá rừng Amazon sau nhiều năm vấn nạn phá rừng tăng mạnh dưới thời người tiền nhiệm Jair Bolsonaro, người đã cắt giảm các nỗ lực bảo vệ môi trường ở Amazon.
Người đứng đầu nhóm hoạt động môi trường địa phương Climate Observatory, ông Marcio Astrini cho biết: "Thực trạng phá rừng Amazon gia tăng về số lượng cho thấy rằng vẫn còn thiếu sự quản lý nghiêm ngặt và chính phủ mới cần phải hành động khẩn cấp để xây dựng lại khả năng trấn áp tội phạm môi trường".
Dữ liệu của cơ quan nghiên cứu vũ trụ Inpe cho thấy, 356 km2 (137 dặm vuông) rừng Amazon của Brazil đã bị triệt phá chỉ trong tháng 3.
Theo các số liệu mới nhất, diện tích rừng bị phá từ tháng 1 đến tháng 3 đã giảm xuống còn 845 km2 (326 dặm vuông), giảm 11% so với năm 2022, cho thấy nỗ lực chống phá rừng của Chính phủ Tổng thống Lula da Silva.
Brazil chính thức lượng hóa nạn phá rừng hàng năm từ tháng 8 năm trước đến tháng 7 năm sau. Trong tám tháng từ tháng 8/2022 đến tháng 3/2023, nạn phá rừng Amazon tổng thể đã tăng 39% so với cùng kỳ.
Vào cuối tháng 2, tại Brasilia (Brazil), đặc phái viên về khí hậu của Mỹ John Kerry nói rằng thế giới không thể đạt được mục tiêu về khí hậu nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5°C trừ khi thế giới bảo vệ được rừng nhiệt đới Amazon.
Vào đầu năm 2023, Mỹ đã công bố ý định đóng góp cho Quỹ Amazon của Brazil, hỗ trợ các dự án bảo tồn trong khu vực rừng rậm. Na Uy cũng cam kết hỗ trợ vào tháng 3 cho những nỗ lực của Brazil nhằm thu hút thêm các quốc gia tài trợ cho Quỹ Amazon.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!