Tháng 4/2021, diện tích rừng Amazon tại Brazil bị tàn phá đã lên tới mức kỷ lục so với cùng kỳ hàng năm. (Ảnh: AP)
Theo dữ liệu giám sát vệ tinh của Cơ quan Vũ trụ Brazil (INPE), diện tích rừng nhiệt đới Amazon đã bị phá hủy lên tới 580 km2, mức cao nhất được ghi nhận trong tháng 4 hàng năm và tăng 42,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Mức độ rừng Amazon bị tàn phá trong tháng 3 cũng cao hơn cùng kỳ năm 2020 sau hai tháng hoạt động phá rừng giảm đi do hoạt động khai thác gỗ chậm lại trong mùa mưa.
Từ tháng 1 đến ngày 29/4, việc chặt cây để lấy gỗ và lấy đất rừng cho nông nghiệp đã giảm 3,9% so với cùng kỳ năm 2020, INPE cho biết. Mùa khô, diễn ra đỉnh điểm vào tháng 7 và tháng 8 hàng năm, là cao điểm nạn phá rừng Amazon. Trong mùa khô 3 năm gần đây, diện tích rừng Amazon bị tàn phá đã lên tới mức kỷ lục.
Diện tích rừng nhiệt đới Amazon đã bị phá hủy lên tới 580 km2 trong tháng 4. (Ảnh: AP)
Amazon, rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới, có vai trò vô cùng quan trọng trong việc hạn chế biến đổi khí hậu vì rừng hấp thụ carbon dioxide từ bầu khí quyển. Khoảng 60% rừng nhiệt đới là ở Brazil.
Đài quan sát khí hậu, một nhóm gồm 63 tổ chức phi chính phủ và tổ chức xã hội, cho biết: "Hiện tại, chưa thể biết trước điều gì sẽ xảy ra nhưng năm 2021 có thể ghi nhận kỷ lục phá rừng trong 4 năm liên tiếp".
Tổng thống Brazil Bolsonaro, lên nắm quyền vào năm 2019, đã khuyến khích khai thác thương mại rừng nhiệt đới. Tuy nhiên, vào tháng 4/2021, ông đã cam kết "loại bỏ nạn phá rừng bất hợp pháp ở Brazil trong năm 2030", sớm hơn 10 năm so với kế hoạch ban đầu.
Trong thập kỷ qua, lượng CO2 mà rừng Amazon thải ra đã cao hơn 20% so với lượng khí thải mà nó hấp thụ.(Ảnh: AP)
Các tổ chức phi chính phủ về bảo vệ môi trường đã bày tỏ nghi ngờ về việc Brazil dưới thời Tổng thống Bolsonaro sẽ thực hiện đúng cam kết này.
Đài quan sát khí hậu cho biết: "Năm 2021, không có nỗ lực liên bang nào để kiểm soát nạn phá rừng được đưa ra". Theo đó, các cơ quan Chính phủ Brazil chuyên kiểm tra ở rừng Amazon đã "không làm gì cả" và việc xử phạt những người vi phạm đã bị đình chỉ.
Một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature Climate Change vào tuần trước cho biết, trong 10 năm qua, rừng Amazon của Brazil đã thải ra khí quyển nhiều hơn gần 20% lượng carbon dioxide mà nó hấp thụ. Do đó, Trái đất không còn có thể phụ thuộc vào khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới này trong việc hấp thụ khí thải carbon do con người tạo ra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!