Rừng Amazon đã và đang bị tàn phá nghiêm trọng. (Ảnh: AP)
Điều này dẫn đến việc khoảng hơn 32.000 km² rừng Amazon đã bị "xóa sổ".
Báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu Môi trường vùng Amazon (IPAM) nêu rõ, các hoạt động tàn phá rừng Amazon bắt đầu gia tăng vào nửa cuối năm 2018. Hơn một nửa diện tích rừng bị tàn phá trong 3 năm qua nằm ở khu vực đất công, trong đó chủ yếu là những vùng do liên bang kiểm soát. Đặc biệt, các khu vực được đánh dấu là “vùng đất thổ dân” là nơi chịu sự tàn phá nặng nề nhất, tăng 153% so với giai đoạn trước đó.
Theo số liệu thống kê, các bang có số diện tích rừng bị tàn phá nhiều nhất trong 3 năm qua là Para, Amazonas và Mato Grosso. Hoạt động phá rừng tại các khu vực bảo tồn cũng tăng 63,7%, tương đương với 3.595 km². Năm 2021, Viện nghiên cứu không gian quốc gia Brazil (INPE) đã công bố dữ liệu cho thấy, trong vòng một năm từ tháng 8/2020 - 7/2021, đã có hơn 13 km² rừng Amazon trên lãnh thổ Brazil bị phá hủy và là mức cao nhất trong vòng 15 năm qua.
Khoảng hơn 32.000 km² rừng Amazon đã bị "xóa sổ". (Ảnh: AP)
Rừng rậm nhiệt đới Amazon thuộc lưu vực sông Amazon ở Nam Mỹ. Với diện tích gần 7 triệu km², rừng Amazon trải dài trên lãnh thổ của 8 quốc gia, trong đó 60% diện tích rừng nằm trên lãnh thổ của Brazil. Dù được ví là "lá phổi xanh" của Trái đất và đóng vai trò quan trọng trong công cuộc chống biến đổi khí hậu, trong những năm gần đây, rừng Amazon đang bị tàn phá ngày càng nghiêm trọng.
Các nhà nghiên cứu cho biết, lượng khí thải ra từ hoạt động nông nghiệp và đặc biệt là từ "những thay đổi trong việc sử dụng đất," bao gồm cả nạn phá rừng, đã gia tăng mạnh trong thời gian qua.
Nạn phá rừng tại nước này bắt đầu tăng lên khi Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cắt giảm tài trợ cho các chương trình bảo vệ rừng nhiệt đới, cũng như thúc đẩy mở rộng khai khoáng và nông nghiệp tại các vùng đất vốn được bảo vệ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!