Năm 2023 vẫn còn không ít "cơn gió ngược" tác động tới nền kinh tế thế giới

Toàn cảnh thế giới-Chủ nhật, ngày 02/07/2023 09:57 GMT+7

VTV.vn - Những cơn gió ngược là điều đã được dự báo. Sẽ vẫn còn những khó khăn đối với các nền kinh tế đang phát triển trong phần còn lại của năm.

Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới Thiên Tân do WEF phối hợp với Chính phủ Trung Quốc tổ chức hàng năm, có quy mô lớn thứ hai sau WEF Davos (Thụy Sĩ). Đây còn gọi là "Diễn đàn Davos mùa hè". Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự sự kiện tuần vừa rồi và đã có phát biểu tại phiên thảo luận chủ đề "Đương đầu với các cơn gió ngược: khởi động lại tăng trưởng trong bối cảnh mong manh".

Đúng như tên gọi của phiên thảo luận, và chủ đề chung của sự kiện: "Tinh thần kinh doanh: Động lực của kinh tế toàn cầu", Diễn đàn Kinh tế thế giới nhận định tình hình năm 2023 vẫn còn không ít các cơn gió ngược tác động tới tình hình kinh tế và sẽ còn thách thức trong phần còn lại của năm 2023. Trong bối cảnh này, hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động của khối doanh nghiệp là một trong những ưu tiên hàng đầu tại bất cứ nền kinh tế nào.

Đoàn kết, hợp tác giải quyết thách thức chung

Một trong các nội dung quan trọng của hội nghị các nhà tiên phong của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) là thảo luận về những cơn gió ngược mà kinh tế thế giới đối mặt nhằm duy trì, khôi phục tăng trưởng. Các nhà lãnh đạo cho biết, kinh tế toàn cầu đang đối mặt các thách thức to lớn từ cạnh trạnh địa chính trị giữa các nước, sự phân mảnh về kinh tế, bùng nổ nợ toàn cầu, suy giảm tăng trưởng, lạm phát tăng và tác động từ các thách thức biến đổi khí hậu.

Ông Klaus Schwab - Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới phát biểu: "Chúng ta đang sống trong một thời điểm của sự thay đổi và gián đoạn chưa từng có, được thúc đẩy bởi những tiến bộ của khoa học và công nghệ, bởi những căng thẳng địa chính trị gay gắt, cũng như bởi những thách thức xã hội và môi trường".

Năm 2023 vẫn còn không ít cơn gió ngược tác động tới nền kinh tế thế giới - Ảnh 1.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo cũng bày tỏ sự lạc quan đối với kinh tế toàn cầu, nhấn mạnh nhu cầu, tầm quan trọng của đoàn kết, hợp tác; đầu tư vào công nghệ và cơ sở hạ tầng; thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số và tăng trưởng toàn diện.

Thủ tướng New Zealand Chris Hipkins nhấn mạnh: "Cả thế giới cần phải hợp tác với nhau để giải quyết những thách thức liên quan biến đổi khí hậu, để giải quyết những thách thức xung quanh nhân khẩu học đang thay đổi. Cả thế giới sẽ phải đối mặt với những vấn đề này".

Hội nghị cũng nêu bật vai trò của các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, coi đây là những động lực đối với tăng trưởng toàn cầu. Trong đó, nền kinh tế Trung Quốc được nhận định sẽ đóng góp khoảng 1/3 tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay

Ông Ivan John e.Uy - Cục Truyền thông và Công nghệ thông tin Philippines: "Đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu, 70% sẽ đến từ châu Á, 36% đến từ Trung Quốc. Vì vậy, tôi nghĩ rằng vai trò của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu sẽ rất quan trọng".

Cũng tại hội nghị, các nhà lãnh đạo đã thảo luận về vấn đề chuyển đổi năng lượng, các công nghệ nổi bật, nhất là sự phát triển của trí tuệ nhân tạo. Các nhà lãnh đạo khẳng định, đã có những tiến bộ trong chuyển đổi xanh song vẫn còn nhiều thách thức đang nổi lên đối với sự công bằng của quá trình chuyển đổi như khả năng tiếp cận năng lượng hợp lý, công bằng và phát triển kinh tế bền vững.

Năm 2023 vẫn còn không ít cơn gió ngược tác động tới nền kinh tế thế giới - Ảnh 2.

Đã có những tiến bộ trong chuyển đổi xanh song vẫn còn nhiều thách thức

Nhiều tín hiệu khó khăn với nền kinh tế thứ hai thế giới

Cũng trong tuần qua tại WEF Thiên Tân, Trung Quốc đưa ra dự báo tình hình kinh tế nước này trong năm 2023. Mức tăng trưởng dự kiến năm nay đưa ra là 5%, trong bối cảnh hoạt động sản xuất tiếp tục cho thấy sự suy giảm nhiều tháng liền và đã có hiện tượng nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi các quỹ ở nước này. Nhiều tín hiệu khó nói là tích cực với nền kinh tế thứ hai thế giới.

Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Thiên Tân, Thủ tướng Lý Cường nhận định kinh tế Trung Quốc sẽ tăng khoảng 5% năm 2023, nghĩa là đạt mục tiêu nhưng không cao như kỳ vọng của nhiều chuyên gia phương Tây trước đó nhận định. Thủ tướng Trung Quốc nhấn mạnh ban hành các chính sách hiệu quả hơn để thúc đẩy nhu cầu trong nước và mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài. Trong ngắn hạn, cách hiệu quả nhất để thúc đẩy nhu cầu là chỉ đạo các cơ quan nhà nước chi tiêu nhiều hơn.

Gần đây một loạt ngân hàng, định chế tài chính quốc tế đều hạ kỳ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc 2023 chỉ còn 5,2-5,7%. Dòng vốn bị rút ra khỏi Trung Quốc sau khi tổ chức xếp hạng tín dụng S&P Global hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm nay và năm sau. Theo S&P, GDP Trung Quốc tăng trưởng 5,2% trong năm 2023, và 4,7% năm 2024. Tổ chức này cũng cảnh báo rủi ro lớn là Trung Quốc thiếu một gói kích thích quy mô lớn.

Kinh tế Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với nhiều cơn gió ngược từ bên ngoài, từ mâu thuẫn thương mại Mỹ - Trung, các lệnh cấm chip, nhu cầu nhập khẩu ở cả ba thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc đều giảm. Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, vấn đề lớn nhất là bất động sản, đóng góp lớn hàng đầu vào GDP, tổng vốn đầu tư 5 tháng đầu năm giảm đến 7,2%. Dù Chính phủ Trung Quốc đã dùng rất nhiều chính sách để kích thích tiêu dùng trong nước như giảm lãi suất, nhưng các chuyên gia phương Tây cho rằng nó vẫn chưa đủ để người dân tăng chi tiêu. Chi tiêu hộ gia đình của Trung Quốc đóng góp GDP chỉ chiếm khoảng 38% so với mức trung bình toàn cầu là 55%.

Năm 2023 vẫn còn không ít cơn gió ngược tác động tới nền kinh tế thế giới - Ảnh 3.

Kinh tế Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với nhiều cơn gió ngược từ bên ngoài

Kinh tế Mỹ khả quan hơn dự kiến

Trong khi đó, giới phân tích đánh giá, dù lãi suất tăng mạnh thời gian qua, nhưng nhiều chỉ báo của kinh tế Mỹ, từ thị trường lao động, doanh số nhà mới, lượng đơn đặt hàng, hay niềm tin tiêu dùng, đều đang khả quan hơn dự kiến. Điều này được cho là một sức trụ gây bất ngờ của kinh tế Mỹ. Dù tình hình tương đối khả quan, dẫn tới dự báo Mỹ còn 2 đợt tăng lãi suất nữa năm nay, các thông số tích cực từ Mỹ vẫn là tín hiệu khích lệ kinh tế toàn cầu trong nửa năm sau.

Đầu năm nay, các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới dự báo, kinh tế Mỹ năm nay chỉ tăng trưởng ở mức 1,1%, giảm 1 điểm phần trăm so với tăng trưởng của năm ngoái. Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF và OEDC dự báo mức tăng là 1,6%.

Quý 1 năm nay, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, tăng trưởng kinh tế của Mỹ đạt mức 2% và có sự hồi phục mạnh mẽ hơn so với dự báo tăng trưởng quý 1 chỉ là 1,1%. Nhiều công ty hồi đầu năm đã lo ngại viễn cảnh kinh tế ảm đạm cho cả năm, nhưng các dữ liệu được công bố cho thấy, bức tranh đã sáng sủa hơn. Tổng thống Mỹ tin tưởng vào sự thành công của chiến lược phục hồi kinh tế Mỹ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng: "Hơn 13,4 triệu việc làm đã được tạo ra, không một Tổng thống Mỹ nào làm được trong hai năm cầm quyền. Nó nằm trong chiến lược phục hồi kinh tế và được xây dựng từ dưới lên chứ không phải từ trên xuống với ba định hướng cơ bản mà chúng tôi đã thực hiện, với sự hỗ trợ của Quốc hội bao gồm đầu tư thông minh vào nước Mỹ, đầu tư vào giáo dục và trao quyền cho người lao động để phát triển tầng lớp trung lưu, và thúc đẩy cạnh tranh để giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ giảm chi phí".

Năm 2023 vẫn còn không ít cơn gió ngược tác động tới nền kinh tế thế giới - Ảnh 4.

Từ thị trường lao động, doanh số nhà mới, lượng đơn đặt hàng, hay niềm tin tiêu dùng ở Mỹ đều đang khả quan hơn dự kiến

Triển vọng tăng trưởng các nền kinh tế đang phát triển

Theo báo cáo mới công bố cuối tháng 6 của SP Global, các nền kinh tế mới nổi ở châu Á vẫn nằm trong số những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất. Ấn Độ, Việt Nam và Philippines tiếp tục dẫn đầu, với mức tăng trưởng trung bình lần lượt là 6,7%, 6,6% và 6,1% trong giai đoạn 2023-2026.

Tuy nhiên theo SP Global, hoạt động sản xuất tại các nền kinh tế đang phát triển nhìn chung có dấu hiệu đình trệ do nhu cầu bên ngoài yếu hơn, góp phần đè nặng lên tăng trưởng.

Bà Michele Wee - Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam cho biết: "Dự báo của chúng tôi cho rằng Việt Nam sẽ là động lực chính cho tăng trưởng thương mại toàn cầu này, với xuất khẩu dự kiến đạt 618 tỷ USD vào năm 2030 với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 7%, cao hơn mức trung bình toàn cầu 2 điểm phần trăm".

Trong báo cáo của Ngân hàng Thế giới công bố hồi tháng tư, dự báo tăng trưởng tại 70% thị trường mới nổi bị cắt giảm. Như tại Ấn Độ, đà tăng trưởng chậm lại do nhu cầu trong nước yếu đi bù đắp cho nhu cầu dịch vụ bên ngoài mạnh mẽ. Tăng trưởng tại các nền kinh tế thuộc ASEAN giảm do đà cầu trong nước giảm (Malaysia, Thái Lan), chính sách thắt chặt tiền tệ (Philippines), giá cả hàng hóa nới lỏng (Indonesia, Malaysia) và nhu cầu từ Mỹ và châu Âu yếu hơn.

Năm 2023 vẫn còn không ít cơn gió ngược tác động tới nền kinh tế thế giới - Ảnh 5.

Các nền kinh tế mới nổi ở châu Á vẫn nằm trong số những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất

Ông Ayhan Kose - Chuyên gia kinh tế, Ngân hàng Thế giới (WB): "Đối với các nền kinh tế đang phát triển, tăng trưởng yếu đương nhiên dẫn đến triển vọng thu nhập thấp hơn. Đến cuối năm 2024, 30% các nền kinh tế ở thị trường mới nổi và đang phát triển sẽ có thu nhập bình quân đầu người vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch vào năm 2019. Nhiều nền kinh tế trong số này sẽ không bắt kịp về mặt thu nhập với các nền kinh tế phát triển.

Lạm phát ở các nền kinh tế đang phát triển dự báo sẽ giảm trong những tháng tới do tăng trưởng chậm lại và tình trạng thiếu hàng hóa toàn cầu giảm dần. Tuy nhiên một số yếu tố như cuộc xung đột Nga - Ukraine, ảnh hưởng của hiện tượng El Nino có thể gây rủi ro tăng giá. Khả năng xảy ra El Nino trong năm nay cao gấp ba lần so với bình thường, điều này sẽ ảnh hưởng đến năng suất của các loại cây trồng chính như lúa, lúa mì, ngô và hạt có dầu.

Nhìn chung các yếu tố làm chậm tăng trưởng trong năm 2023 là đà phục hồi sau đại dịch mờ dần, nhu cầu suy yếu từ các đối tác thương mại quan trọng, giá cả tăng nhanh hơn mức tăng thu nhập và lãi suất cao kìm hãm tiêu dùng và đầu tư.

IMF dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng thấp IMF dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng thấp

VTV.vn - Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023 ở mức dưới 3%, giảm so với 3,4% trong năm 2022.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước