Miễn "bản quyền vaccine": Hữu hiệu nhưng chưa đủ để loại bỏ biến thể mới, đạt miễn dịch cộng đồng

Chuyển động 24h-Thứ tư, ngày 12/05/2021 11:10 GMT+7

VTV.vn - Sự xuất hiện của các biến thể mới đầy nguy hiểm, nhất là biến chủng B.1.617 phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ, đang nhấn chìm nhiều quốc gia trong "cơn sóng thần" COVID-19.

Mở rộng đối tượng được tiêm vaccine, tăng tốc tiêm chủng, một cuộc đua với các biến thể virus SARS-CoV-2 để "cán đích" miễn dịch cộng đồng được coi là cách duy nhất để thực sự thoát khỏi đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, thế giới đang không có đủ vaccine COVID-19 và các quốc gia đang đứng trước thời khắc chỉ cứu mình hay chia sẻ vaccine để cứu tất cả?

Sự đồng thuận cao về miễn "bản quyền vaccine" đến từ đâu?

Vào lúc này, tiêm chủng vaccine nhanh chóng được xem là giải pháp quan trọng nhất để đẩy lùi dịch bệnh COVID-19. Lần đầu tiên trong lịch sử, hàng loạt quốc gia từ Mỹ, Anh, Canada, Nga... cùng lên tiếng ủng hộ việc miễn "bản quyền vaccine" để bất kỳ quốc gia nào cũng có thể sản xuất vaccine COVID-19 mà không cần lo lắng về bằng sáng chế.

Trên thế giới, tại các nước triển khai tiêm chủng vaccine COVID-19 chậm, sức đề kháng và hệ thống miễn dịch toàn dân không được tăng cường, nguy cơ lây nhiễm virus cao hơn. Đặc biệt, khi biến thể virus xuất hiện, chúng "tiến hóa" để tránh hệ miễn dịch tốt hơn. Điển hình Ấn Độ hay một số nước châu Á khác như Malaysia, Pakistan vẫn đang chậm trễ trong chiến dịch tiêm chủng và liên tục ghi nhận số ca mắc mới và tử vong tăng vọt.

Miễn bản quyền vaccine: Hữu hiệu nhưng chưa đủ để loại bỏ biến thể mới, đạt miễn dịch cộng đồng - Ảnh 1.

Hàng loạt quốc gia ủng hộ việc miễn "bản quyền vaccine". (Ảnh: AP)

Trong khi đó, tiêm chủng mở rộng thành công đang đem lại hiệu quả ngay lập tức. Mỹ đang dần mở cửa lại các hoạt động dịch vụ ở nhiều bang từng là điểm nóng dịch bệnh sau khi nước này đã tiêm được 263 triệu liều và mở rộng tiêm cho trẻ em dưới 12 tuổi. Còn Israel đã mở cửa lại hoạt động kinh tế từ giữa tháng 4 sau đã tiêm vaccine cho hơn 50% công dân nước mình. Tại châu Âu, nhiều nước như Anh, Tây Ban Nha, Đức, Ireland, Hy Lạp, người dân cũng đã được tận hưởng tự do nhờ đẩy nhanh tiêm chủng.

Giờ đây, ngày càng nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ mở rộng tuổi tiêm chủng hoặc yêu cầu bắt buộc người dân phải tiêm. Saudi Arabia chỉ cho phép người lao động đã tiêm phòng đi làm trở lại; Hong Kong (Trung Quốc) hay Hàn Quốc nới lỏng quy định cách ly với người đã được tiêm vaccine.

Liệu có cơ hội từ sáng kiến chia sẻ vaccine?

Tuy nhiên, có rất nhiều việc cần phải làm để đẩy nhanh khả năng sản xuất vaccine COVID-19 và thực hiện tiêm chủng trên thế giới. Khi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhóm họp trong tuần này, vấn đề "bằng sáng chế vaccine" đã đứng đầu chương trình nghị sự. Vậy năng lực sản xuất vaccine có tăng lên khi vấn đề chia sẻ bản quyền vaccine được thông qua không? Câu trả lời là có, nhưng không phải không có những nỗi lo.

Với những nước có nền công nghệ y sinh tiên tiến như Hàn Quốc hay Malaysia, việc miễn bản quyền sẽ giúp sản xuất vaccine với chi phí rẻ hơn và nhiều hơn, giúp tăng cường thêm khả năng phòng thủ của người dân trước virus.

Miễn bản quyền vaccine: Hữu hiệu nhưng chưa đủ để loại bỏ biến thể mới, đạt miễn dịch cộng đồng - Ảnh 2.

Vẫn còn những nỗi lo dù đồng thuận miễn "bản quyền vaccine". (Ảnh: AP)

Tuy nhiên, thách thức đặt ra là không phải quốc gia nào cũng đáp ứng đủ điều kiện để sản xuất. Hiện nay, mọi người quá tập trung vào vấn đề bằng sáng chế mà bỏ qua tầm quan trọng của việc đảm bảo và kiểm soát chất lượng vaccine.

Hãng dược Mỹ Moderna ngay từ cuối năm 2020 đã công khai công thức vaccine Moderna, một trong 2 vaccine có công nghệ tiên tiến nhất hiện nay. Tuy nhiên, tới nay, ngoài Mỹ, Thụy Sĩ và Tây Ban Nha, chưa nước nào khác sản xuất được vaccine Moderna, kể cả khi đã biết rõ công thức.

Giải pháp nào ngoài chia sẻ "bản quyền vaccine"?

Trong khi đợi các bên liên quan đạt được sự đồng thuận về vấn đề chia sẻ bản quyền vaccine COVID-19, giới chức các nước và nhiều tập đoàn dược phẩm đã phải nghĩ đến những phương án khác.

Tại châu Âu, thay vì ủng hộ miễn "bản quyền vaccine" do nguy cơ không đảm bảo chất lượng, EU quyết tâm đẩy mạnh sản lượng để xuất khẩu ra thế giới. Quan chức Ủy ban châu Âu đã có chuyến thị sát tại 53 nhà máy sản xuất vaccine của lục địa này để khẳng định thông điệp cần đẩy nhanh tốc độ sản xuất nhằm tăng nguồn cung vaccine cho thị trường.

Miễn bản quyền vaccine: Hữu hiệu nhưng chưa đủ để loại bỏ biến thể mới, đạt miễn dịch cộng đồng - Ảnh 3.

Phải có những phương án khác bên cạnh việc chia sẻ bản quyền vaccine. (Ảnh: AP)

Trong khi đó, chính quyền Mỹ và các hãng dược liên doanh với Mỹ cũng có thể cho phép chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho các nước khác hoặc những doanh nghiệp họ cho là có đủ tiêu chuẩn về cả nhân lực và cơ sở hạ tầng.

Câu chuyện bãi bỏ "bản quyền vaccine" sẽ là giải pháp tích cực nhưng vẫn cần thận trọng để có thể áp dụng. Còn về trước mắt, bất cứ quốc gia nào cũng cần phải tuân thủ các quy tắc phòng dịch, đồng thời đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng. Virus đang "chạy" nhanh hơn nỗ lực của con người, còn con người không thể chậm trễ hay thiếu đồng lòng trong cuộc chiến này.

Ấn Độ thúc đẩy từ bỏ bản quyền vaccine ngừa COVID-19 Ấn Độ thúc đẩy từ bỏ bản quyền vaccine ngừa COVID-19 Bãi bỏ bản quyền vaccine: Chìa khóa chống COVID-19 Bãi bỏ bản quyền vaccine: Chìa khóa chống COVID-19 Bãi bỏ bản quyền vaccine có hữu ích cho cuộc chiến chống COVID-19? Bãi bỏ bản quyền vaccine có hữu ích cho cuộc chiến chống COVID-19?

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước