Theo đó, lợi nhuận hằng năm của các tài sản Nga bị phong tỏa, dự kiến từ 2,5 - 3 tỉ Euro và 90% số tiền thu về, sẽ được sử dụng để mua vũ khí cho Kiev thông qua Cơ chế Hòa bình châu Âu (EPF). 10% còn lại sẽ được chuyển vào ngân sách EU và được sử dụng cho mục đích tái thiết Ukraine.
EU đã đóng băng khoảng 200 tỉ Euro tài sản Ngân hàng Trung ương Nga nắm giữ tại EU. Hiện nay, khoảng 90% tài sản của Nga ở EU đang được giữ tại Công ty dịch vụ tài chính Euroclear, trụ sở ở Bỉ.
Động thái trên là một phần trong các biện pháp trừng phạt kinh tế lên Nga nhằm phản đối chiến dịch quân sự của nước này ở Ukraine từ tháng 2/2022.
Trải qua nhiều tháng tranh cãi, EU mới phê duyệt kế hoạch này. Trong đó, Slovakia và Hungary bày tỏ dè dặt trước khả năng cung cấp viện trợ quân sự cho Kiev, trong khi Cộng hòa Czech ủng hộ việc sử dụng số tiền thu được từ tài sản của Nga bị phong tỏa ở EU để hỗ trợ và tái thiết Ukraine.
Trong khi đó, Mỹ và Anh được cho đang cố gắng thúc đẩy một kế hoạch khác tại nhóm các nền kinh tế G7.
Phát biểu ngày 21/5, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba bày tỏ lời cảm ơn đối với EU nhưng nhấn mạnh mục tiêu lớn nhất của Ukraine là tịch thu tài sản tài chính của Nga, thay vì chỉ hưởng lợi từ lãi suất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!