15 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đề xuất đẩy nhanh tốc độ kiểm tra những người di cư không có giấy tờ tùy thân, thành lập các trung tâm giam giữ mới ở khu vực biên giới và trục xuất nhanh hơn những người xin tị nạn bị từ chối.
Các nước này cho rằng cần có cơ chế phát hiện, chặn bắt hoặc cứu hộ trong trường hợp khẩn cấp những người di cư trên biển và đưa họ đến một nơi an toàn được xác định trước, tại một quốc gia đối tác bên ngoài EU.
Đề xuất được nêu trong bức thư gửi đến Ủy ban châu Âu (EC) ngày 16/5, khoảng 1 tháng trước khi diễn ra cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu. Bức thư kêu gọi EC đưa ra những cách thức và giải pháp mới để ngăn chặn làn sóng di cư bất hợp pháp vào châu Âu.
Luật pháp EU quy định rằng những người đến khối này mà không có giấy tờ có thể được gửi đến một nước thứ ba, nơi họ có thể xin tị nạn - miễn là quốc gia đó được coi là an toàn và người xin tị nạn có mối liên hệ thực sự với quốc gia đó.
15 quốc gia cũng kêu gọi EU ký thỏa thuận với các nước thứ ba nằm dọc theo các tuyến di cư chính, tương tự như thỏa thuận EU - Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016. Những nước ký vào bức thư gồm: Áo, Bulgaria, Cyprus, Cộng hòa Czech, Đan Mạch, Phần Lan, Estonia, Hy Lạp, Italy, Latvia, Litva, Malta, Hà Lan, Ba Lan và Romania.
Trong một diễn biến liên quan, EU đã chính thức thông qua Hiệp ước mới về di cư và tị nạn, đánh dấu một cuộc cải tổ mang tính bước ngoặt của khối. Với các biện pháp cứng rắn và yêu cầu sự chia sẻ trách nhiệm cao hơn của các nước thành viên, cuộc cải tổ này được giới chức EU kỳ vọng giúp giải quyết hiệu quả bài toán di cư hóc búa, vốn gây chia rẽ sâu sắc trong khối suốt nhiều năm nay.
Bất chấp sự phản đối từ Hungary và Ba Lan, Hiệp ước mới về di cư và tị nạn của EU đã vượt "cửa ải" cuối cùng với sự thông qua của chính phủ các nước thành viên.
Nhấn mạnh tiêu chí đoàn kết và trách nhiệm, Hiệp ước mới là một bộ gồm 10 công cụ, được thiết kế nhằm đạt được sự cân bằng giữa việc kiểm soát biên giới và tăng tình đoàn kết trong tiếp nhận người di cư tại châu Âu.
Việc thông qua Hiệp ước mới về di cư và tị nạn được xem là một thành công chính trị lớn của EU trước thềm cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP).
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!