Sự lan tỏa đó không chỉ đến từ các hoạt động quảng bá văn hóa ẩm thực lớn, mà nó len lỏi từ các hoạt động rất nhỏ, từ sự gia tăng các hoạt động giao lưu văn hóa - du lịch giữa hai nước.
Tăng mạnh giao thương kinh tế, trao đổi lưu học sinh, giao lưu du lịch sau khi mở cửa sau đại dịch… là những yếu tố quan trọng để ẩm thực Việt có chỗ đứng ngày càng vững tại Trung Quốc.
Nhiều người Trung Quốc không còn xa lạ với nét văn hóa đặc trưng của chiếc áo dài Việt Nam, hàng thủ công mỹ nghệ, cà phê Việt, các món đặc sản đặc trưng vùng miền. Món ăn Việt, văn hóa Việt dễ chinh phục người dân Trung Quốc bởi nhiều nét tương đồng với các nước châu Á.
Anh Trương Tự - Người dân TP. Bắc Kinh chia sẻ: "Tại khu thương mại CBD có nhiều quán phở Việt Nam. Món phở đường tàu, nhiều người Trung Quốc cũng ngày càng thích. Quán phở mở ra nhiều vì nó ngon, đông khách".
Phở, bún chả, nem, gỏi cuốn là những món ăn được giới thiệu với bạn bè Trung Quốc tại các sự kiện văn hóa ẩm thực. Nhu cầu thưởng thức món Việt ngày càng tăng, đó là lý do khu du lịch này mở chủ đề ngày ẩm thực Việt Nam. Sự háo hức của khách chính là động lực để khu du lịch tiếp tục triển khai nhiều chủ đề liên quan đến ẩm thực, văn hóa Việt. Các chuỗi nhà hàng món Việt, phở Việt, các thương hiệu cà phê Việt cũng được mở ngày càng nhiều ở Bắc Kinh cũng như nhiều thành phố lớn.
Chị Trần Thanh Hằng - Khu nghỉ dưỡng Hoa viên Jinglin Bắc Kinh nói: "Trong mấy năm gần đây, khá nhiều người Trung Quốc biết đến Việt Nam. Bây giờ có rất nhiều ứng dụng di động giúp người Trung Quốc biết đến văn hóa, món ăn, ẩm thực Việt".
Được tìm hiểu về văn hóa, ẩm thực rồi được hướng dẫn làm các món Việt càng làm cho thực khách thích thú khám phá. Người dân cũng không khó nấu các món ăn mang phong vị Việt Nam khi dễ dàng mua nguyên liệu, gia vị trên các sàn thương mại điện tử của Trung Quốc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!