Đây là một trong những triển lãm về công nghiệp thực phẩm lớn nhất trên thế giới, thu hút 789 công ty từ 15 quốc gia tham dự. Triển lãm đã cho thấy nhiều xu hướng mới về công nghiệp thực phẩm toàn cầu.
Một dây chuyền sản xuất bánh Dorayaki, lấy theo tên nhân vật truyện tranh nổi tiếng Doraemon, của Công ty Masuda, Nhật Bản, được trưng bày tại triển lãm. Chỉ cần cho bột vào máy, vài phút sau sẽ có bánh rán đóng gói có thể đem bán tại các siêu thị.
Một xu hướng nổi bật của công nghệ chế biến thực phẩm hiện đại là sử dụng robot trong hầu hết các công đoạn, đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn bộ mạng lưới sản xuất cũng như kết nối với người tiêu dùng.
Công ty Nhật Bản Rheon cho biết đang đặt mục tiêu hiện thực hóa dự án "Nhà máy thông minh", theo đó người tiêu dùng có thể đặt hàng qua điện thoại di động, hệ thống máy tính tiếp nhận đơn hàng, xử lý và chuyển cho các thiết bị chế biến.
"Tương lai của ngành công nghiệp thực phẩm nằm ở công nghệ robot, tự động hóa và trí thông minh nhân tạo. Đây cũng là giải pháp tối ưu để giải quyết bài toán thiếu hụt lao động" - ông Shinga Takeharu, đại diện Công ty Rheon, Nhật Bản, cho biết.
Việc ứng dụng công nghệ hiện đại cũng mở ra các hướng phát triển mới cho ngành công nghiệp chế biến thực phẩm.
Thị trường máy chế biến thực phẩm toàn cầu được dự kiến sẽ đạt đến quy mô 92 tỷ USD trong vòng 5 năm tới với tốc độ tăng trưởng trung bình 8,2%/năm. Đây được xem là một ngành công nghiệp có rất nhiều tiềm năng.
Triển lãm FOOMA sẽ kéo dài từ ngày 13 - 16/6/2017. Theo ước tính, triển lãm sẽ đón nhận hơn 100.000 lượt khách tham quan.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!