Thủ tướng Czech, Chủ tịch Hội đồng châu Âu và Chủ tịch Ủy ban châu Âu tại cuộc họp báo sau Hội nghị thượng đỉnh không chính thức EU tại Praha, Cộng hòa Czech, ngày 7/10. (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Hội nghị nhằm thu hẹp bất đồng về giải pháp ứng phó với cuộc khủng hoảng giá năng lượng tại các nước châu Âu do cuộc xung đột tại Ukraine.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von de Layern khẳng định, Liên minh châu Âu sẽ tìm thêm nguồn tài trợ chung để giúp các nước thành viên ứng phó khủng hoảng, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải thiết lập cơ chế mua khí đốt chung.
Tại Hội nghị lần này, lãnh đạo 27 quốc gia thành viên trong khối đã không thể thống nhất quan điểm về phương án áp giá trần đối với khí đốt của Nga. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo EU kỳ vọng, những đề xuất cụ thể sẽ được đưa ra trước Hội nghị thượng đỉnh chính thức của khối sau đây 2 tuần.
Trước đó, vào ngày 7/10, các nhà lãnh đạo các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh không chính thức tại Lâu đài Praha, Cộng hòa Czech để tìm kiếm những biện pháp giải quyết khủng hoảng về năng lượng và kinh tế, cũng như các vấn đề liên quan tới cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tham dự cuộc họp báo tại Hội nghị thượng đỉnh không chính thức EU, ngày 7/10. (Ảnh: Reuters)
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Cộng hòa Czech Séc Petr Fiala cho biết, các quốc gia có mặt ở đây để cùng thảo luận về các biện pháp giảm giá năng lượng, nghiên cứu đề xuất tách giá khí đốt khỏi giá điện, cũng như triển khai những quỹ dự trữ để hỗ trợ cho các quốc gia.
Ông Fiala khẳng định: "Việc tách biệt giá điện và giá khí đốt sẽ đồng nghĩa với việc giảm giá điện cho tất cả các công ty và hộ gia đình ở trong Liên minh châu Âu".
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen bày tỏ vui mừng khi tham dự hội nghị lần này để cùng thảo luận về các vấn đề quan trọng của EU, đặc biệt sau phiên họp đầu tiên của Cộng đồng chính trị châu Âu với sự góp mặt của các đại diện đến từ hơn 40 quốc gia. Trong bài phát biểu của mình, bà nhấn mạnh, tỷ lệ khí đốt của Nga nhập khẩu vào EU hiện tại vào khoảng 7,5%, trong khi trước đây là ở mức 40%, điều này cho thấy những nỗ lực vượt bậc của toàn khối trong việc giảm sự phụ thuộc năng lượng vào Nga.
Trong bối cảnh cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khủng hoảng năng lượng đang gây ảnh hưởng nặng nề tới người dân và doanh nghiệp châu Âu, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đã có cuộc tranh luận khá cởi mở để tìm kiếm các giải pháp chung về giới hạn giá khí đốt khi mùa đông đang tới gần. Biện pháp này được đánh giá là một trong những ưu tiên của khối để ngăn chặn cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, khi các nền kinh tế đang rơi vào nguy cơ suy thoái nặng nề trước mùa đông tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!