Indonesia: Khát vọng thành quốc gia có thu nhập cao

An Khê (t/h)-Thứ hai, ngày 02/12/2024 11:34 GMT+7

Một góc đường phố thủ đô Jakarta của Indonesia. (Ảnh: TTXVN)

VTV.vn - Indonesia, quốc gia đông dân thứ tư thế giới, đang bứt phá mạnh mẽ trên hành trình trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

Với khoảng 280 triệu dân từ 1.300 dân tộc, Indonesia là quốc gia rộng lớn và đa dạng nhất Đông Nam Á. Mặc dù từng ít được biết đến ngoài Bali khi tạp chí The Economist của Anh miêu tả Indonesia là "quốc gia vô hình lớn nhất trên hành tinh", nước này đang trở thành một trong những nền kinh tế năng động nhất thế giới với GDP năm 2024 dự kiến đạt 1.480 tỷ USD.

Có thể nói quốc gia "từng bị thế giới bỏ quên" này đang trở thành một trong những nền kinh tế triển vọng nhất, nhờ nguồn tài nguyên phong phú, cơ cấu dân số trẻ, thị trường rộng lớn và những chính sách mạnh mẽ. Theo dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2023, Indonesia đã chính thức được xếp vào danh sách "quốc gia có thu nhập trung bình cao" với mức thu nhập bình quân đầu người 4.580 USD/năm. Đặc biệt, quốc gia này đã đặt ra mục tiêu táo bạo: Đến năm 2045 - kỷ niệm 100 năm độc lập - sẽ trở thành quốc gia có thu nhập cao.

Là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á và thành viên nhóm G20, Indonesia đang thể hiện sức mạnh kinh tế ấn tượng. Từ năm 2008, trừ hai năm 2020-2021 do ảnh hưởng đại dịch COVID-19, tốc độ tăng trưởng GDP luôn duy trì ở mức khoảng 5%. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự đoán tiêu dùng cá nhân và đầu tư mạnh mẽ sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng GDP đạt 5,0% trong năm nay và năm tới. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn, nền kinh tế Indonesia vẫn thể hiện tiềm lực và khả năng phục hồi đáng nể.

Hiện Indonesia là quốc gia đứng đầu về sản xuất các mặt hàng quan trọng như dầu cọ, cao su, than đá và khí tự nhiên, điều này cung cấp nền tảng vật chất và năng lượng vững chắc cho sự phát triển kinh tế. Indonesia cũng sở hữu nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, là quốc gia sản xuất niken lớn nhất thế giới và đứng thứ hai về sản xuất cobalt. Những yếu tố này khiến Indonesia giữ vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng năng lượng mới trên toàn cầu.

Khác với mô hình phát triển hướng tới xuất khẩu của các nền kinh tế lớn khác, kinh tế Indonesia chủ yếu được thúc đẩy bởi nhu cầu cao từ thị trường nội địa. Nhờ vào quá trình đô thị hóa nhanh chóng, số lượng tầng lớp trung lưu ở Indonesia dự kiến sẽ đạt 140 triệu người vào năm 2030, chiếm gần 50% tổng dân số. WB cho rằng, kể từ năm 2002, tiêu dùng của tầng lớp trung lưu Indonesia đã tăng trưởng 12% mỗi năm, chiếm một nửa tiêu dùng hộ gia đình của nước này, trở thành động lực chính cho sự tăng trưởng kinh tế.

Với độ tuổi trung bình ở Indonesia chưa đến 30, cấu trúc dân số trẻ mang lại nguồn lực lao động dồi dào cho sự phát triển kinh tế. Indonesia cũng là một trong những quốc gia có chi phí lao động thấp nhất ở Đông Nam Á, thấp hơn so với Việt Nam, cũng là một thành viên của ASEAN. Chính phủ Indonesia hiện đang đẩy mạnh thực hiện các chính sách cải thiện và nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, những biện pháp này sẽ góp phần hiệu quả vào việc nâng cao kỹ năng lao động và tăng năng suất lao động của Indonesia.

Về vị trí địa lý, Indonesia nằm giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, kết nối châu Á và châu Đại Dương, nơi có các tuyến đường thương mại quốc tế quan trọng như eo biển Malacca. Quốc gia này đã ký kết các hiệp định tự do thương mại với các đối tác thương mại chính như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Chile. Indonesia cũng là thành viên quan trọng của khu vực tự do thương mại Trung Quốc - ASEAN, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), khu vực tự do thương mại ASEAN - Ấn Độ, và khu vực tự do thương mại ASEAN - Australia - New Zealand.

Việc giảm bớt rào cản thương mại và thuế quan đã thúc đẩy xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của Indonesia. Bên cạnh đó, đơn giản hóa quy trình đăng ký doanh nghiệp, cải thiện cơ sở hạ tầng và chính sách thân thiện với các nhà đầu tư nước ngoài cũng làm tăng sức hấp dẫn cho các ngành sản xuất của nước này.

Hiện nay, chuỗi cung ứng toàn cầu đang chuyển hướng mạnh mẽ sang phân tán và Indonesia đang trở thành một trong những lựa chọn quan trọng để đa dạng hóa cơ sở sản xuất của các doanh nghiệp toàn cầu. Báo cáo của tạp chí Bloomberg Businessweek từng đưa Indonesia vào danh sách "5 thị trường kết nối hàng đầu thế giới". Báo cáo nhấn mạnh rằng, trong một thế giới phân mảnh, các quốc gia như Indonesia đang định vị mình như một mắt xích kết nối mới cho nhu cầu sản xuất quốc tế. Nhờ vào hiểu biết sâu sắc về thị trường Mỹ, Trung Quốc, châu Âu và khu vực châu Á - Thái Bình Dương cùng các kênh phân phối, Indonesia đã nắm bắt thành công nhiều cơ hội phát triển kinh tế.

Cùng với đó, trong 10 năm qua, Indonesia đã có những tiến bộ đáng kể trong việc cải thiện môi trường kinh doanh. Chỉ số pháp quyền năm 2023 do tổ chức phi lợi nhuận và cơ quan nghiên cứu, xếp hạng quốc tế "World Justice Project" có trụ sở tại Mỹ cho thấy, trong số 142 quốc gia trên toàn cầu, Indonesia xếp hạng 66, đứng trước Ấn Độ, Brazil, Thái Lan và thậm chí vượt qua cả Hungary, một quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Ngoài ra, Indonesia sở hữu nền kinh tế số lớn nhất Đông Nam Á. Bộ Thương mại Indonesia dự báo rằng quy mô nền kinh tế số của nước này sẽ đạt 146 tỷ USD vào năm 2025. Nền kinh tế số đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Indonesia và do đó trở thành một trong những chiến lược chính cho sự chuyển đổi kinh tế của Indonesia.

Ngày 29/11, Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto thông báo nước này sẽ tăng lương tối thiểu thêm 6,5% vào năm 2025 để đảm bảo cuộc sống cho người lao động.

Tổng thống Prabowo nêu rõ tại cuộc họp hẹp, các bộ trưởng đều nhất trí tăng lương tối thiểu như một giải pháp quan trọng để đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động, đặc biệt là những người làm việc dưới 12 tháng. Mức tăng nêu trên cao hơn so với mức tăng 6% do Bộ trưởng Bộ Nhân lực Yassierli đề xuất.

Chính sách tăng lương tối thiểu sẽ kích thích sức mua của người lao động trong khi duy trì khả năng cạnh tranh kinh doanh. Tổng thống Prabowo cho biết: "Phúc lợi của người lao động rất quan trọng. Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh để cải thiện phúc lợi của họ".

Indonesia tăng lương tối thiểu Indonesia tăng lương tối thiểu

VTV.vn - Indonesia sẽ tăng lương tối thiểu thêm 6,5% vào năm 2025 để đảm bảo cuộc sống cho người lao động.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước