Hy Lạp: Đình công lớn phản đối khủng hoảng chi phí sinh hoạt

Mạnh Dương (Theo Guardian)-Thứ năm, ngày 21/11/2024 12:15 GMT+7

Những người biểu tình tuần hành trước toàn nhà quốc hội Hy Lạp trong cuộc đình công toàn quốc vào tháng 4 (Ảnh: EPA)

VTV.vn - Một cuộc đình công toàn quốc đang diễn ra ở Hy Lạp, khi người lao động đòi tăng lương và phản đối chi phí sinh hoạt leo thang trong bối cảnh bất bình đẳng gia tăng.

Hy Lạp đang chứng kiến một cuộc đình công quy mô lớn trên toàn quốc do người lao động ở cả khu vực công và tư nhân tổ chức, nhằm phản đối tình trạng chi phí sinh hoạt ngày càng leo thang. Cuộc đình công diễn ra trong bối cảnh chính phủ do Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis lãnh đạo chịu áp lực ngày càng lớn trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế này.

Người lao động đòi hỏi mức lương "xứng đáng"

Các công đoàn yêu cầu tăng lương "xứng đáng" để đối phó với giá tiêu dùng tăng cao và tình trạng bất bình đẳng thu nhập ngày càng nghiêm trọng. Cuộc đình công tại nhiều thành phố lớn, có khả năng làm tê liệt toàn bộ đất nước.

Hoạt động của các cơ quan chính phủ, trường học, bệnh viện và hệ thống giao thông công cộng, bao gồm tàu hỏa và phà..., đều bị ảnh hưởng. Các nhân viên tại các cơ quan truyền thông nhà nước và tư nhân đã bắt đầu đình công từ ngày 19/11.

Lãnh đạo công đoàn chỉ trích chính phủ trung hữu vì không giải quyết được tình trạng lạm phát leo thang. "Chi phí sinh hoạt đang ở mức cao ngất ngưởng, trong khi lương bổng lại quá thấp. Giá nhà tăng cao đã đẩy nhiều người trẻ vào tình trạng khó khăn nghiêm trọng"- ông Yannis Panagopoulos, Chủ tịch công đoàn khu vực tư nhân GSEE, bức xúc.

Bất bình trong bối cảnh bất bình đẳng gia tăng

Hy Lạp hiện có mức lương tối thiểu dưới 900 Euro/tháng, trong khi giá cả hàng tiêu dùng, viễn thông và năng lượng thuộc hàng cao nhất châu Âu. Đảng đối lập cánh tả nhiều lần chỉ trích rằng người lao động Hy Lạp đang phải chịu "giá cả Anh trên mức lương Bulgaria".

Thủ tướng Mitsotakis gần đây cam kết tăng mức lương tối thiểu lên 950 Euro, nhưng điều này bị cho là không đủ, đặc biệt khi giá nhà cũng tiếp tục tăng. "Khoảng cách giàu nghèo đang ngày càng nới rộng, và những người thu nhập thấp đang chịu thiệt thòi nhiều nhất", một đại diện công đoàn nhận xét.

Thành tựu kinh tế không thể bù đắp khó khăn thực tế

Cuộc đình công lần này phản ánh sự tương phản giữa khả năng phục hồi kinh tế của Hy Lạp và thực tế cuộc sống của người dân. Sau khi vượt qua khủng hoảng nợ cách đây một thập kỷ, Hy Lạp hiện đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng đầu châu Âu, với tỷ lệ thất nghiệp giảm từ gần 30% xuống 8,3% - mức thấp nhất trong 20 năm.

Hôm 18/11, Thủ tướng Mitsotakis tuyên bố Hy Lạp sẽ trả trước khoản nợ 5 tỷ Euro từ thời kỳ khủng hoảng. Ông gọi đây là một dấu hiệu cho thấy quốc gia đã phục hồi tài chính, đồng thời cam kết chống trốn thuế để giảm gánh nặng nợ công.

Tuy nhiên, nhà phân tích chính trị Yannis Koutsomitsis nhận định: "Thành tựu kinh tế không thể chuyển hóa thành lợi ích thực tế cho người dân. Nhiều người vẫn đang vật lộn để tồn tại. Điều này được phản ánh rõ ràng trong các cuộc khảo sát, nơi chính phủ bị chỉ trích vì chưa nắm bắt được mức độ nghiêm trọng của tình hình".

Công nhân Boeing tiếp tục đình công sau khi từ chối thỏa thuận lương Công nhân Boeing tiếp tục đình công sau khi từ chối thỏa thuận lương Các cảng biển Mỹ đối mặt với đình công lớn gây gián đoạn hoạt động trung chuyển hàng hóa Các cảng biển Mỹ đối mặt với đình công lớn gây gián đoạn hoạt động trung chuyển hàng hóa Boeing đề xuất phương án tăng lương để chấm dứt đình công Boeing đề xuất phương án tăng lương để chấm dứt đình công

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước