Các nước tham gia đã nhất trí về một dự thảo nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Thỏa thuận này được đánh giá là bước nhượng bộ của các nước giàu với nước nghèo, nhằm thu hẹp những bất đồng giữa hai nhóm về các mục tiêu chống biến đổi khí hậu.
Cụ thể, sau các cuộc đàm phán Marathon kéo dài trong 2 ngày, đại diện của các nước tham dự Hội nghị COP 20 đã nhất trí về một bản dự thảo, trong đó đề xuất vào năm tới mỗi nước phải đệ trình kế hoạch quốc gia để đối phó với tình trạng nóng lên của Trái Đất, từ đó hình thành cơ sở cho một thỏa thuận toàn cầu mới sẽ được đưa ra xem xét tại hội nghị năm tới tại Paris.
Văn bản này được đánh giá là sự nhượng bộ đối với các quốc gia đang phát triển, bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ - những nước quan ngại rằng các dự thảo trước đó đặt quá nhiều gánh nặng lên các nước nghèo trong việc hạn chế phát thải khí nhà kính, trong khi chính các nước giàu mới là các nước đã từng sử dụng nhiều dầu khí nhất.
Theo thỏa thuận này, các nước giàu phải hỗ trợ tài chính cho các nước phát triển. “Dự thảo này không hoàn hảo, nhưng nó tôn trọng lập trường của tất cả các bên… Với văn bản này, tất cả chúng ta đều là người chiến thắng”, ông Pulgar Vidal - Bộ trưởng Môi trường Peru cho hay.
Như vậy, sau rất nhiều tranh cãi căng thẳng, Hội nghị COP 20 cuối cùng cũng đã bế mạc với những đồng thuận nhất định. Các quốc gia sẽ có thời gian đến hết quý I/2015 để hoàn thiện và đệ trình bản báo cáo về khả năng và nguyện vọng đóng góp của riêng mình vào nỗ lực chung trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Từ nay đến Hội nghị COP 21 vào năm sau, các bên sẽ còn rất nhiều việc phải làm với những nỗ lực và thiện chí còn phải lớn hơn nữa để có thể đạt được mục tiêu là xây dựng thành công thoả thuận chung toàn cầu về ứng phó biến đổi khí hậu tại COP 21.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online.