Theo lịch trình ban đầu, Hội nghị COP 20 dự kiến sẽ kết thúc vào 18h ngày 12/12 (6h sáng 13/12 theo giờ Việt Nam). Tuy nhiên, hội nghị vẫn chưa thể kết thúc vì quan điểm các bên vẫn còn khác biệt khá lớn.
Vấn đề của COP 20 là phải xây dựng và thống nhất được những trụ cột chính cho thỏa thuận toàn diện về biến đổi khí hậu dự kiến sẽ được thông qua vào năm 2015 tại Paris. Tuy nhiên, bản dự thảo văn bản thỏa thuận cuối cùng của COP 20 đang bị các nước đang phát triển, đặc biệt là nhóm G77 và Trung Quốc phản đối quyết liệt.
Bản dự thảo này tuy có đề cập đến tất cả các nội dung thích ứng, giảm nhẹ, tài chính, tăng cường năng lực, chuyển giao công nghệ và minh bạch trong mọi hoạt động nhưng những vấn đề này được đề cập khá mờ nhạt, chung chung và không thực chất. Bản dự thảo không đặt ra yêu cầu các nước phát triển phải cam kết hỗ trợ tài chính nhiều hơn cũng như cắt giảm khí thải nhiều hơn trong giai đoạn từ nay đến trước 2020.
Các nước đang phát triển đòi hỏi bản dự thảo phải có các nội dung để buộc các nước phát triển phải đưa ra một lộ trình cụ thể trong việc tăng cường hỗ trợ tài chính và công nghệ cho các nước đang phát triển trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo nhận định của ông Koos Neefjes, chuyên gia tư vấn chính sách về biến đổi khí hậu của UNDP, người đang trực tiếp theo dõi diễn biến tại bên trong phòng đàm phán, có rất nhiều khả năng phải đến tối muộn đêm 13/12, thậm chí là sáng 14/12 theo giờ Việt Nam, các bên tham gia COP 20 mới có thể đạt được thoả thuận cuối cùng trước khi bế mạc.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online.