Dự thảo Nghị quyết về lệnh ngừng bắn tại Aleppo, Syria vẫn chưa được thông qua. Ảnh: EPA
Đêm 5/12, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu đối với Dự thảo Nghị quyết về lệnh ngừng bắn tại Aleppo, Syria. Tuy nhiên, Dự thảo Nghị quyết chỉ nhận được sự ủng hộ của 11 trong tổng số 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Ba nước phản đối là Nga, Trung Quốc và Venezuela trong khi Angola bỏ phiếu trắng.
Dự thảo Nghị quyết do Ai Cập, New Zealand và Tây Ban Nha chắp bút, yêu cầu tất cả các bên ngừng bắn trong vòng 7 ngày tại Aleppo nhằm mở đường cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo và tạo điều kiện để nối lại các cuộc đàm phán về quá trình chuyển giao chính trị tại Syria.
"Thật đáng tiếc là Hội đồng Bảo an đã không đạt được đồng thuận đối với Dự thảo Nghị quyết. Dự thảo này chỉ tập trung vào công tác cứu trợ nhân đạo chứ không kèm theo giải pháp chính trị. Mục đích của Nghị quyết là nhằm giảm nhẹ nỗi đau mà người dân Syria, đặc biệt là người dân Aleppo đang phải chịu đựng" - Ông Amr Abdellatif Aboulatta - Đại sứ Ai Cập tại LHQ cho biết.
Dự thảo Nghị quyết được đưa ra bỏ phiếu sau nhiều ngày tham vấn căng thẳng giữa các thành viên Hội đồng Bảo an LHQ, đặc biệt là giữa Nga và Mỹ. Nội dung gai góc nhất trong Dự thảo Nghị quyết là khi nào thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực và sẽ có hiệu lực trong bao lâu. Ngoài ra, các nước cũng không đạt được đồng thuận về việc phân tách giữa các phần tử khủng bố và lực lượng vũ trang đối lập.
Đại diện của Nga cho rằng, Dự thảo Nghị quyết sẽ hủy hoại các cuộc đàm phán hiện tại giữa Moscow và Washington về tình hình tại Aleppo, đồng thời tạo điều kiện cho các phiến quân nổi dậy tăng cường sức mạnh.
Dự thảo Nghị quyết được đưa ra bỏ phiếu trong bối cảnh giao tranh vẫn đang diễn ra quyết liệt tại miền Đông Aleppo, khiến hàng chục người thiệt mạng mỗi ngày. Tình trạng thiếu thốn lương thực, nước sạch và dịch vụ y tế đã lên đến mức báo động.
Cuộc chiến tại Syria đã kéo dài hơn 5 năm, khiến hơn 400.000 người thiệt mạng. Hội đồng Bảo an LHQ đã và đang vấp phải nhiều chỉ trích vì không tìm kiếm được giải pháp chính trị cho cuộc chiến này, chủ yếu là do bất đồng giữa các nước thành viên thường trực, đặc biệt là giữa Nga và Mỹ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!