Giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine COVID-19 đang được kỳ vọng giúp tái khởi động du lịch toàn cầu (Nguồn: WEF)
Các nỗ lực quốc gia nhằm hiện thực hóa "hộ chiếu vaccine"
Với khoảng 132 triệu kết quả, "hộ chiếu vaccine" hiện đang là một trong một trong những từ khóa "nóng" nhất trên trang tìm kiếm của Google. Hiểu đơn giản, đây không phải một tấm hộ chiếu thông thường, mà đúng hơn là một chứng nhận sức khỏe, cho biết người mang chứng nhận này đã được tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, và do đó đủ điều kiện đi lại, xuất nhập cảnh giữa các quốc gia mà không cần trải qua các yêu cầu như cách ly bắt buộc. Điều kiện cần là chứng nhận này phải được công nhận tại quốc gia điểm đến.
Phiên bản mở rộng hơn của giấy chứng nhận có thể bao gồm việc đã được xét nghiệm âm tính, hoặc đã từng mắc COVID-19 và hiện đã có kháng thể chống lại virus. Hiện hầu hết các loại chứng nhận này đều đang được phát triển dưới hình thức chứng nhận điện tử, người sở hữu có thể dễ dàng truy cập để sử dụng thông qua ứng dụng điện thoại.
"Đây là một quy trình số hóa cho phép giảm thiểu các thủ tục giấy tờ phức tạp, tạo thuận tiện cho người dân toàn cầu được đi lại giữa các quốc gia, các biên giới" – Đó là bình luận của ông Nick Careen, Phó Chủ tịch cấp cao Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (IATA), và cũng là người đứng đầu đề án phát triển chứng nhận tiêm chủng kỹ thuật số của tổ chức này. Nhìn chung, các quốc gia và tổ chức quốc tế đều coi đây là giải pháp hợp lý cho viễn cảnh khôi phục lại hoạt động đi lại quốc tế sau hơn 1 năm gián đoạn vì dịch bệnh.
Mẫu "hộ chiếu vaccine" đầu tiên trên thế giới do Trung Quốc phát hành (Nguồn: CGTN)
Hôm 9/3, Trung Quốc chính thức phát hành "Chứng nhận sức khỏe du lịch quốc tế", loại hình hộ chiếu vaccine đầu tiên. Công dân Trung Quốc có thể đăng ký và được cấp chứng nhận thông qua một mã QR trên ứng dụng nhắn tin WeChat, cho phép kết nối đến hồ sơ tiêm chủng và cả lịch sử xét nghiệm COVID-19 của người dùng trên kho dữ liệu của giới chức y tế. Tuy nhiên, hiện chưa có nước nào chính thức công nhận chứng nhận này, dù Bắc Kinh tỏ ra cởi mở về triển vọng sớm đạt được thỏa thuận công nhận lẫn nhau với các quốc gia và tổ chức quốc tế.
Trong khi đó, nhiều nước Liên minh châu Âu (EU) cũng đang khá sốt sắng trong việc thiết lập chứng nhận tiêm chủng chung được công nhận rộng rãi, đặc biệt là những quốc gia như Hy Lạp hay Tây Ban Nha, vốn có nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch. Ước tính năm ngoái, dịch bệnh và các biện pháp đóng cửa biên giới đã khiến ngành kinh tế này của EU suy giảm tới 52%
Kể từ tháng 4 tới, Hy Lạp sẽ thử nghiệm mở cửa cho du khách quốc tế từ một số nước trở lại quốc gia này mà không cần cách ly, nếu đã có chứng nhận tiêm chủng. Bộ trưởng Du lịch Hy Lạp Harry Theoharis thậm chí cho biết: "Những người đã tiêm phòng hay có xét nghiệm COVID-19 âm tính đều được chào đón tại Hy Lạp, dù chúng tôi có đạt được thỏa thuận với các nước hay không". Hiện nước này đã đạt thỏa thuận công nhận chứng nhận tiêm chủng với Israel, và đang gấp rút đàm phán với 10 nước khác để thực hiện kế hoạch trên – một bước đi rất được chờ đợi nhằm cứu vãn ngành du lịch vốn chiếm tới hơn 1/5 nền kinh tế quốc gia Nam Âu.
Hy Lạp kỳ vọng thúc đẩy chứng nhận tiêm chủng nhằm "giải cứu" ngành du lịch (Nguồn: Euronews)
Sau nhiều tranh cãi, Ủy ban châu Âu (EC) mới đây đã đề xuất "Chứng chỉ xanh kỹ thuật số", có giá trị chung trong tất cả các nước thành viên cùng với những nước như Thụy Sỹ và Na Uy. Chứng chỉ này cũng có thể được cấp cho người nước ngoài có thị thực nhập cảnh vào EU trong tương lai. Bước đi này được đánh giá là nhằm hỗ trợ trực tiếp lên ngành du lịch trước khi kỳ nghỉ Hè bắt đầu vào tháng 6 tới.
Một số đơn vị du lịch và lữ hành châu Âu đã lên tiếng hoan nghênh kế hoạch, dù còn nhiều sự thận trọng. Ông Aage Duenhaupt, đại diện hãng lữ hành TUI của Đức nhận định: "Có một thực tế là không phải tất cả mọi người đều sẽ được tiêm vaccine trước mùa hè này. Thế nên ngoài vaccine, vẫn cần có một chiến lược xét nghiệm nhanh COVID-19 để ngành du lịch hè năm nay trở nên sôi động".
Chứng nhận tiêm chủng thông qua các hệ thống quốc tế
Không chỉ các quốc gia, nhiều tổ chức quốc tế cũng đang quan tâm tới "hộ chiếu vaccine" như một biện pháp khôi phục các hoạt động toàn cầu. Hôm 17/3, Singapore Airlines đã là hãng hàng không đầu tiên trên thế giới thực hiện một chuyến bay đầu tiên thử nghiệm chứng nhận sức khỏe điện tử trong dự án của IATA.
Các hành khách trên chuyến bay từ Singapore tới London (Anh) đã cài đặt và sử dụng Travel Pass - ứng dụng do IATA phát triển, cho phép bảo mật các thông tin hộ chiếu, cũng như kiểm tra hồ sơ y tế để xác nhận đủ điều kiện bay. Bà Joan Tan, Phó Chủ tịch cấp cao Singapore Airlines bày tỏ lạc quan: "Việc triển khai thành công chứng nhận IATA Travel Pass cho thấy mục tiêu của chúng tôi trong việc ứng dụng kỹ thuật số để xác thực thông tin y tế, giúp khách hàng có thể du hành an toàn, thuận lợi và không bị gián đoạn".
Ứng dụng Travel Pass của IATA đã được thử nghiệm lần đầu tiên bởi Singapore Airlines (Nguồn: IATA)
Ngoài Singapore Airlines, 3 hãng hàng không khác là Air New Zealand, Qatar Airways, và Malaysia Airlines cũng sẽ bắt đầu thử nghiệm chứng nhận số của IATA trên các đường bay quốc tế trong thời gian tới. Đại diện IATA cũng cho hay, nhiều tổ chức thể thao quốc tế, đơn vị tổ chức sự kiện và các cơ quan du lịch cũng đã bày tỏ sự quan tâm tới giải pháp từ tổ chức này.
Một ứng dụng khác cũng đang cho thấy triển vọng là Common Pass, do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cùng Quỹ phi lợi nhuận Common Project phát triển. Ứng dụng này đã được hãng hàng không Qantas (Australia) đưa vào thử nghiệm, giúp xác nhận hành khách âm tính với virus trong 72 giờ trước khi khởi hành. Qantas cho biết đây sẽ là hướng đi mở đường cho việc mở lại tuyến bay quốc tế của hãng vào tháng 10 tới, với điều kiện bắt buộc là hành khách đã tiêm vaccine đủ liều.
Các thuận lợi và thách thức của mô hình giấy chứng nhận tiêm chủng
Bất chấp sự lạc quan từ nhiều nước, một số quốc gia khác lại tỏ ra khá thận trọng với mô hình này. Tại EU, trước khi công bố Chứng chỉ Xanh kỹ thuật số, các quốc gia như Pháp và Bỉ đã lên tiếng phản đối việc sử dụng các chứng nhận tiêm chủng và xét nghiệm làm điều kiện bắt buộc để đi lại trong khối. Bộ trưởng phụ trách chương trình tiêm chủng của Nhật Bản Kono Taro cũng bày tỏ thái độ không quá hào hứng: "Chúng tôi sẽ cân nhắc các lựa chọn nếu vấn đề này trở nên cần thiết trên toàn cầu".
Một lo ngại lớn nhất hiện nay đối với mô hình giấy chứng nhận tiêm chủng, đó là nguy cơ bất bình đẳng khi hiện lượng người được tiêm vaccine trên toàn cầu vẫn còn khá thấp, và tốc độ thúc đẩy tiêm chủng là khác nhau – đặc biệt giữa nước giàu và nước nghèo. Liberty, tổ chức bảo vệ quyền công dân lớn nhất tại Anh đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ mô hình: "Những ‘hộ chiếu’ này cho phép người mang nó chứng minh rằng họ đã được miễn dịch và có thể trở lại với cuộc sống bình thường. Câu hỏi là những người còn lại sẽ ra sao?".
Việc tiêm chủng chậm và không đồng đều đang gây lo ngại về tính công bằng của giấy chứng nhận tiêm chủng (Nguồn: CNBC)
Bản thân WHO, dù khuyến khích các tiêu chuẩn chung cho chứng nhận tiêm chủng toàn cầu, cũng lên tiếng khuyến cáo các chính phủ "không nên dùng bằng chứng đã tiêm chủng hoặc có miễn dịch như một điều kiện nhập cảnh với du hành quốc tế".
Một vấn đề khác nằm ở việc không phải tất cả các vaccine đều được toàn thế giới công nhận, và chứng nhận tiêm chủng có thể bị vô hiệu hóa nếu nước điểm đến chưa cấp phép cho loại vaccine mà du khách đã được tiêm. Đây có thể trở thành một vấn đề lớn tại Mỹ, khi mà nước này hiện mới chỉ cấp phép 3 loại vaccine do các hãng của Mỹ phát triển, bỏ qua nhiều loại vaccine khác trong đó có cả vaccine của Astra Zeneca/Đại học Oxford được WHO công nhận.
Thách thức lớn còn đến từ khả năng các chứng nhận tiêm chủng liệu có thể được công nhận và hoạt động rộng rãi trên toàn cầu hay không. Nói như chuyên gia công nghệ Drummond Reed – người từng có nhiều năm cộng tác với IATA: "Hệ thống hộ chiếu toàn cầu hiện nay mất tới hơn nửa thế kỷ phát triển. Hiện nay chỉ trong một thời gian ngắn, chúng ta cần xây dựng một hệ thống chứng nhận với mức độ công nhận phổ biến tương đương, và còn yêu cầu bảo mật cao hơn bởi chúng là hệ thống số".
Chứng nhận tiêm chủng các bệnh truyền nhiễm hay "giấy thông hành vàng" đã được công nhận bởi WHO và nhiều quốc gia (Nguồn: NYT)
Dù gặp nhiều trở ngại như vậy, nhưng theo các chuyên gia, hình thức chứng nhận miễn dịch các bệnh truyền nhiễm không phải là ý tưởng mới. Các chứng nhận (trên giấy) đã tiêm chủng bệnh sốt vàng da, rubella hay dịch tả đã được WHO công nhận từ lâu, thường được gọi là "thông hành vàng" và hiện vẫn được một số quốc gia yêu cầu. Loại hình này cũng đã góp phần ngăn chặn đà lây lan của bệnh đậu mùa trong giai đoạn hàng không bùng nổ thập niên 1960.
Bà Dakota Gruener, chuyên gia thuộc nhóm nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhìn nhận, 2 hình thức chứng nhận – xét nghiệm âm tính và đã tiêm vaccine COVID-19, vẫn sẽ là chìa khóa then chốt không chỉ cho lĩnh vực du lịch, mà cả việc mở cửa kinh tế toàn cầu./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!