Francis Scott Key - cây cầu có tuổi đời gần 50 năm, một công trình tự hào của người dân bang Baltimore, Mỹ - chưa bao giờ phải chịu một chấn động lớn đến mức mọi người nghĩ rằng nó có thể dễ dàng bị sập đến như vậy. Thế nhưng, chuyện không may đó đã xảy ra. Đến thời điểm này, vẫn chưa có một câu trả lời nào khẳng định về nguyên nhân chính xác của vụ sập cầu Francis Scott Key.
Tuy nhiên, các chuyên gia đã đưa ra một số giả thiết, để từ đó có thể phòng tránh những tai nạn trong tương lai. Vụ việc này không đơn giản chỉ là vụ sập cầu của riêng bang Baltimore mà còn đưa hạ tầng cầu Mỹ vào tầm ngắm.
Vì sao cầu Francis Scott Key sụp đổ quá nhanh?
Trong video ghi lại vụ va chạm của tàu container Dali có chiều dài gần 300m với cầu Francis Scott Key, điều khiến người xem phải chú ý là tốc độ sụp đổ quá nhanh của cầu. Đây là một ví dụ về quá trình mà các kỹ sư gọi là sụp đổ dây chuyền.
Ông David Knight (Viện Kỹ sư Xây dựng Mỹ) cho biết: "Đây là một cây cầu kéo dài trên 3 nhịp, có 2 trụ chính và không được chống đỡ ở hai đầu cầu. Vì vậy, tất cả các kết cầu của cầu đều đóng vai trò quan trọng trong việc chịu tải. Khi bạn chỉ rút ra một hệ thống kết cấu là phần còn lại của cây cầu sẽ bị phá hủy theo. Mặc dù đây là cách xây cầu giúp tiết kiệm chi phí và vật tư xây dựng nhưng nó đồng nghĩa với việc các cây cầu sẽ không thể có khả năng chống chịu lực tác động mạnh như tai nạn vừa rồi".
Theo các chuyên gia, mặc dù đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn và thiết kế theo quy định của những năm 1970, cầu Francis Scott Key có thể đã phần nào lỗi thời với kích thước ngày càng lớn của tàu thuyền ngày nay.
Cầu Francis Scott Key ở thành phố Baltimore, bang Maryland (Mỹ) bị sập sau khi tàu chở hàng đâm trúng, ngày 30/3/2024 (Ảnh: AFP)
Ông Ian Firth, kỹ sư về kiến trúc và thiết kế cầu, cho rằng: "Con tàu lớn như vậy mang theo sức nặng từ hàng nghìn tấn hàng. Nên dù đi với tốc độ có thể coi là không nhanh nhưng với tốc độ và tải trọng như vậy, cây cầu khó tránh khỏi bị sụp dưới lực va đập mạnh tới như vậy. Điểm đâm còn nhắm trúng một trong các trụ đỡ của cầu - một vị trí rất nhạy cảm với chỉ giàn khung và chân trụ".
Trong giai đoạn từ năm 1960 tới 2015, thế giới đã chứng kiến 35 vụ sập cầu do va chạm với tàu, trong đó hơn nửa số vụ xảy ra ở Mỹ. Các chuyên gia nhận định việc kích cỡ tàu ngày một lớn gây ra nhiều rủi ro hơn cho chính phương tiện và cơ sở hạ tầng xung quanh nếu xảy ra va chạm, kèm theo nhiệm vụ cứu hộ phức tạp hơn và chi phí sửa chữa cũng cao hơn.
Khắc phục sự cố sập cầu ở Baltimore
Hiện công tác khắc phục hậu quả vụ sập cầu ở Baltimore đang được tiến hành khẩn trương bởi cảng Baltimore là hải cảng khá nhộn nhịp xét về khối lượng trao đổi thương mại.
Luồng tàu ra vào cảng Baltimore tạm thời vừa được nối lại hôm 1/4 và một vài luồng nữa dự kiến được nối lại trong tuần này để khôi phục hoạt động của một trong những cảng biển quan trọng nhất ở bờ Đông nước Mỹ. Việc tháo dỡ giàn sắt của cầu sập nặng 350 tấn đang được bắt đầu thực hiện sau khi cần cẩu đầu tiên tiếp cận hiện trường, cẩn cầu thứ hai cũng đang trên đường tới khu vực xảy ra va chạm.
Muốn khắc phục sự cố, phải có mặt bằng sạch nhưng hiện nay, tàu Dali - tàu conainer đâm vào trụ tàu cùng thủy thủ đoàn 21 người - vẫn được yêu cầu ở nguyên hiện trường phục vụ điều tra. Chưa ai biết tàu Dali và thủy thủ đoàn sẽ phải ở lại vài tuần hay vài tháng. Chỉ khi tàu được kéo đi, luồng hàng hải ra vào cảng Baltimore mới được khôi phục trở lại và mới có thể bắt tay vào việc xây dựng lại cầu.
Kinh nghiệm từ những vụ khắc phục sự cố sập cầu tại Mỹ
Cách đây 17 năm, thành phố Minneapolis đã phải hứng chịu một trong những sự cố sập cầu nghiêm trọng nhất ở Mỹ và phải mất tới 13 tháng để khắc phục. Tại Mỹ, trong 20 năm qua đã có nhiều vụ sập cầu, tại những vị trí có lưu lượng giao thông lớn và việc khắc phục thường nhanh hơn so với dự kiến ban đầu.
Tuy nhiên, cầu Francis Scott Key ở Baltimore vừa bị đổ sập là cây cầu giàn sắt lớn thứ 3 thế giới, lại chạy qua khu vực cảng biển, chắc chắn việc xây dựng sẽ phải mất nhiều thời gian hơn so với các sự cố sập cầu trước đây. Nhiều dự báo cho thấy, sẽ phải mất từ 4 đến 5 năm xây dựng, với kinh phí ước tính 1 tỷ USD.
Công tác khắc phục cầu Francis Scott Key đang được khẩn trương tiến hành (Ảnh: AFP)
Ngày 5/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tới hiện trường vụ sập cầu, thảo luận với chính quyền bang Maryland về việc sớm khôi phục hoàn toàn hoạt động của cảng biển, đồng thời làm việc với Quốc hội Mỹ để thông qua khoản ngân sách của liên bang giành cho việc xây mới cây cầu.
Nhiều cây cầu tại Mỹ đang xuống cấp
Có thể thấy, vụ sập cầu ở Baltimore không đơn thuần là tai nạn của riêng một địa phương tại Mỹ mà là vấn đề của hạ tầng cầu nói chung. Vụ tàu hàng container đâm sập cầu Francis Scott Key đang đặt ra hàng loạt câu hỏi về những lỗ hổng tiềm ẩn trong hơn 600.000 cây cầu tại nước này. Từ vụ việc này, hạ tầng cầu tại Mỹ đã được đặt vào tầm ngắm.
Trên thực tế, hàng nghìn cây cầu ở Mỹ hiện trong tình trạng kém chất lượng. Theo báo cáo cơ sở hạ tầng của nước này, cứ 13 cây cầu lại có 1 cầu trong tình trạng cấu trúc cũ kỹ và xuống cấp. Tổng số cầu cũ kỹ và xuống cấp là khoảng hơn 46.000, 1/3 trong số đó có nguy cơ sụp đổ chỉ sau một cú va chạm.
Giới chuyên gia cho biết, các hiện tượng thời tiết cực đoan, xe tải trọng lớn và va chạm từ các tàu container lớn gây ra rủi ro đáng kể đối với các cây cầu ở Mỹ. Các bang thường kiểm tra các cây cầu cao tốc ít nhất 2 năm một lần và phân loại chúng "tốt", "khá" hoặc "kém". Tình trạng kém đồng nghĩa một số bộ phận kết cấu của cây cầu ở trạng thái "xuống cấp nặng".
Một ví dụ cụ thể là cây cầu bắc qua sông Puyallup ở bang Washington. Cây cầu này sau 1 năm đóng cửa bảo trì đã mở trở lại vào năm 2019 với nhịp mới vững chắc và một cái tên hoàn toàn mới - cầu Fishing Wars Memorial. Nó thậm chí còn giành được giải thưởng quốc gia của Mỹ. Nhưng hiện nay, cây cầu này đã một lần nữa bị đóng lại sau khi các quan chức liên bang bày tỏ lo ngại về tính an toàn của một đoạn của cây cầu có số tuổi gần 1 thế kỷ này. Thời gian mở cửa trở lại chưa được xác định bởi trước tiên cần phải huy động hàng triệu USD để vệ sinh và kiểm tra cầu.
Vụ sập cầu sông I-35 Mississippi ở Minneapolis năm 2007 đã khiến 13 người thiệt mạng và 145 người bị thương (Ảnh: NBC News/AP)
Bà Marsia Geldert - Murphey (Hiệp hội Kỹ sư Xây dựng Mỹ) cho rằng: "Chúng tôi đã không duy trì cơ sở hạ tầng của mình ở tốc độ cần thiết trong nhiều năm và giờ chúng tôi đang phải cố gắng bắt kịp".
Hiệp hội Kỹ sư Xây dựng Mỹ cho rằng những cây cầu có cấu trúc cũ kỹ, thiếu kết cấu cần được đầu tư đáng kể để bảo trì, nếu không có nguy cơ cao bị đóng cửa hoặc phải áp dụng hạn chế tải trọng đối với các phương tiện lưu thông trên đó.
Vụ sập cầu ở Baltimore đang đặt hạ tầng Mỹ vào một cuộc rà soát quy mô lớn bởi ngay cả cầu Francis Scott Key sau các cuộc kiểm tra gần đây được đánh giá ở trong tình trạng khá và hoàn toàn đáp ứng được các quy định vẫn bị sập sau một cú va chạm lớn. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc duy tu, bảo dưỡng và cải tiến cầu trong tình hình thực tế. Những việc này nhanh hơn và tiết kiệm chi phí hơn so với xây dựng một cây cầu mới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!