Giáo dục Phần Lan gắn chặt với nhu cầu của nền kinh tế

Hồng Quang (Phóng viên VTV thường trú tại châu Âu - thoisu@vtv.vn)-Chủ nhật, ngày 19/10/2014 14:36 GMT+7

Ảnh minh họa

Nền giáo dục Phần Lan được thừa nhận là hiệu quả nhất châu Âu, do biết cách phối hợp nhuần nhuyễn giáo dục với nghiên cứu và sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế.

Trong các trường đại học, nội dung giảng dạy rất linh hoạt, thay đổi liên tục tuỳ theo nhu cầu hiện tại của thị trường, chứ không có một khung chương trình cố định. Nhóm phóng viên Truyền hình Việt nam đã tới Helsinki để tìm hiểu về mô hình giáo dục đại học của Phần Lan.

Trong trường Đại học tổng hợp Aalto Helsinki, nội dung đề án tốt nghiệp của sinh viên là do các tập đoàn công nghiệp Phần Lan đề xuất. Học đại học, với sinh viên ở Phần Lan, là học cách tìm giải pháp cho một vấn đề cụ thể vừa nảy sinh trong một lĩnh vực cụ thể.

Anh Lê Huy Quang, Sinh viên Đại học tổng hợp Aalto Helsinki cho biết: “Luận văn thạc sĩ tôi vừa làm là do hội đồng của các công ty như là UPM, Stora Enso, Neste Oil, Andritz... là các công ty lớn trong ngành gỗ và làm bột giấy của Phần Lan, cung cấp kinh phí để tôi làm và họ có toàn quyền sử dụng các kết quả nghiên cứu trong luận văn của tôi”.

Các doanh nghiệp liên tục phải đối đầu với các vấn đề mới, thì các đề án tốt nghiệp của sinh viên cũng luôn gắn với thực tiễn của doanh nghiệp, không năm nào giống năm nào.

Ông Tapani Vuorinen, Phó Trưởng khoa Công nghệ lâm nghiệp, Đại học tổng hợp Aalto Helsinki nói: “Có nhiều khả năng kết nối. Sinh viên phải đi thực tập trong một công ty, và sau đó có thể đề xuất với công ty là sẽ làm luận án về một vấn đề của công ty đó. Cũng có khi các công ty đề nghị giảng viên đại học tìm giúp họ các sinh viên có khả năng nghiên cứu một vấn đề mà công ty đang cần, sinh viên sẽ làm luận án với vấn đề đó luôn”.

Nhu cầu kết nối bài toán của doanh nghiệp với lời giải của sinh viên mạnh đến nỗi, xuất hiện một ngành dịch vụ đặc biệt. Cách Helsinki 170km, công ty New Factory, kinh doanh ý tưởng.

Ông Jukka Matikainen, Giám đốc công ty New Factory Tempere (Phần Lan) chia sẻ: “Các công ty gửi cho chúng tôi những vấn đề họ cần giải quyết, sau đó chúng tôi tóm tắt mục tiêu cần đạt được đưa lên website. Sinh viên được mời tìm đăng ký tìm giải pháp, việc của chúng tôi là tổ chức thảo luận”.

Với mỗi yêu cầu của doanh nghiệp, các sinh viên đăng ký tham gia có 4 tháng để tranh luận tìm ra giải pháp. Nếu doanh nghiệp thấy giải pháp đó sử dụng được, thì sẽ trả tiền để mua ý tưởng, hoặc thuê tác giả phát triển tiếp ý tưởng đó. Tỷ lệ thành công khá cao, có tới 80% giải pháp đưa ra từ công ty này được doanh nghiệp ứng dụng vào thực tế.

Anh Paul Beigang, sinh viên Đức cho biết: “Chúng tôi đang thảo luận dự án phát triển kinh doanh cho một công ty tên là Sanoma. Công ty này muốn mở rộng hoạt động sang một mảng khác, họ cần một mô hình kinh doanh sáng tạo và mời sinh viên chúng tôi tham gia”.

Chị Eni Iduozee, sinh viên Phần Lan nói: “Dự án này rất hay. Chúng tôi đã viết một ứng dụng thương mại điện tử cho Sanoma.  Đây là cơ hội tốt để tôi áp dụng những gì đã học được trong trường đại học vào cuộc sống thực”.

Điều thú vị là trong quá trình tìm tòi ý tưởng cho bài toán của doanh nghiệp, sinh viên cũng có thể lấy luôn đề tài đó để làm luận án tốt nghiệp. Các trường đại học khuyến khích sinh viên đi theo hướng này. Việc của giảng viên, là hướng dẫn sinh viên cách thức tìm ra giải pháp.

Phần Lan - đất nước nghèo tài nguyên thiên nhiên, coi ý tưởng mới là nguồn tài nguyên có giá trị nhất. Người Phần Lan đang áp dụng nhiều cách thức để ý tưởng nảy sinh, ứng dụng được ý tưởng vào thực tiễn, biến ý tưởng thành lợi nhuận cho doanh nghiệp. Quá trình tìm tòi phát triển ý tưởng cũng chính là quá trình học của sinh viên.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước