Tổng thống Ấn Độ Mukherjee và Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto cùng phu nhân tại lễ đón tiếp. (Nguồn: tpk.fi)
Trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống Pranab Mukherjee, ngày 16/10, Ấn Độ và Phần Lan đã ký 19 thỏa thuận hợp tác, trong đó có thỏa thuận sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân và quản lý chất thải phóng xạ từ các nhà máy điện nguyên tử.
Trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác hạt nhân dân sự, do Đại sứ Ấn Độ tại Phần Lan Ashok Kumar và Tổng giám đốc Cục quản lý chất phóng xạ và an toàn hạt nhân Phần Lan ký, dưới sự chứng kiến của Tổng thống Mukherjee và người đồng cấp Sauli Niinisto hai nước sẽ hợp tác trong lĩnh vực quy chế an toàn hạt nhân, theo đó trao đổi cho nhau những thông tin liên quan đến sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình, bảo đảm an toàn hạt nhân, kể cả quản lý chất thải phóng xạ và các vấn đề liên quan đến nghiên cứu hạt nhân.
Phát biểu sau lễ ký các thỏa thuận hợp tác, Tổng thống Niinisto đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Ấn Độ trong trật tự thế giới và cho rằng nước này phải đóng vai trò trung tâm trong các vấn đề toàn cầu, đồng thời ủng hộ nỗ lực của Ấn Độ trở thành thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc mở rộng.
Ông Niinisto cũng cho biết Phần Lan quan tâm đến chính sách “Make in India” (Sản xuất tại Ấn Độ) do Thủ tướng Narendra Modi phát động hồi giữa tháng 9. Hai bên nhất trí sẽ nâng gấp đôi kim ngạch thương mại song phương từ 1,5 tỷ USD hiện nay lên 3 tỷ USD trong ba năm tới.
Trong cuộc hội đàm trước đó, Tổng thống Mukherjee và người đồng cấp Niinisto đã đề cập các vấn đề liên quan đến chủ nghĩa khủng bố, trong đó có mối đe dọa từ “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng, tình hình Syria, Ukraine và Afghanistan.
Tổng thống Mukherjee cho rằng một cuộc “đối thoại mang tính chất xây dựng” là cách thức tốt nhất để thoát khỏi tình hình khó khăn hiện nay tại Ukraine, đồng thời mong muốn tất cả các bên từ bỏ bạo lực, hướng tới giải pháp hòa bình thông qua thương lượng nhằm mang lại hòa bình, ổn định cho khu vực. Về phần mình, Tổng thống Niinisto nhấn mạnh tình hình tại Ukraine là “lời cảnh tỉnh” đối với châu Âu.