Không phải tình trạng khói mù, ô nhiễm bây giờ mới bùng phát mà là vấn đề đã tồn tại từ lâu. Nhưng năm nay nó cộng hưởng với thời tiết hanh khô đã gây cháy rừng khiến tình hình trở nên trầm trọng hơn.
Trong ngày 1/10, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã tổ chức cuộc họp khẩn trực tuyến với lãnh đạo của 16 tỉnh và các bộ liên quan để đẩy nhanh các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí, sau khi mức độ ô nhiễm vượt quá ngưỡng an toàn ở thủ đô Bangkok và các vùng lân cận.
Thủ đô Bangkok đã tiến hành các chiến dịch phun nước ở một số quận để giảm bụi mịn xung quanh các trường học và những tuyến đường chính. Người dân cũng được khuyến cáo đeo khẩu trang chống độc khi ra đường.
Còn tại Malaysia, một chiếc máy bay quân sự chở theo các thùng chứa dung dịch muối để tạo mưa nhân tạo, một giải pháp tình thế cho tình trạng khói mù bao phủ ở quốc gia này.
Trong khi đó, ở nước láng giềng Indonesia, hàng nghìn nhân viên an ninh, quân đội, máy bay và cả trực thăng đã được huy động. Mưa nhân tạo đã được phun, bom nước cũng được sử dụng để dập tắt các đám cháy và giảm ô nhiễm khói mù.
Để đối phó với khói mù, ô nhiễm không khí sẽ là một quá trình dài hơi và cần những chính sách quyết liệt. Như tại Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, những ngày này, bầu trời xanh đã trở lại.
Từng lọt vào top những thành phố ô nhiễm nhất thế giới, nhưng từ năm 2014, Chính phủ Trung Quốc đã chấp nhận giảm tỷ lệ tăng trưởng và đầu tư cho cuộc chiến chống ô nhiễm không khí, bao gồm việc hạn chế các phương tiện giao thông phát thải cao cũng như dần chuyển đổi mô hình sản xuất từ sử dụng than đá sang sử dụng các nguồn nguyên liệu phát thải thấp. Câu chuyện thành công của Bắc Kinh sẽ là một bài học cho các nước trong việc giải quyết ô nhiễm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!