Người đứng đầu Nhà Trắng tuyên bố "đã chuẩn bị kỹ để nhanh chóng phá hủy nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ" nếu nước này không chấm dứt các hành động quân sự. Tuy nhiên, các biện pháp này liệu có thực sự gây ra tác động lớn đối với chính quyền Ankara?
Nỗi ám ảnh từ các biện pháp trừng phạt kinh tế
Ngay trước khi các biện pháp trừng phạt của Mỹ được công bố, thị trường tài chính Thổ Nhĩ Kỳ đã có một phen chao đảo. Đồng lira giảm 0,8% xuống mức 1 USD đổi 5,9315 lira – mức thấp nhất kể từ ngày 30/5, do giới đầu tư lo ngại về những thiệt hại mà các biện pháp trừng phạt có thể đem lại. Đồng tiền này đã giảm hơn 12% kể từ đầu năm tới nay và mất tới 5% chỉ trong tháng 10, sau khi Ankara mở chiến dịch quân sự chống lại lực lượng người Kurd tại Bắc Syria. Chứng khoán và trái phiếu Thổ Nhĩ Kỳ cũng đồng loạt lao dốc, trong đó chỉ số chứng khoán chính xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6.
Nỗi ám ảnh của giới đầu tư là điều dễ hiểu, bởi Thổ Nhĩ Kỳ vốn dĩ không hề xa lạ với các biện pháp trừng phạt kinh tế từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Hồi tháng 8 năm ngoái, nhằm trừng phạt việc Ankara bắt giữ và kết tội mục sư người Mỹ Andrew Brunson, Washington đã áp thuế 50% với mặt hàng thép và 20% với nhôm của Thổ Nhĩ Kỳ. Đến tháng 5/2019, căng thẳng giữa hai nước có phần lắng dịu khi Mỹ giảm một nửa thuế thép cho Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, Mỹ vẫn quyết định chấm dứt áp dụng Chế độ Ưu đãi Thuế quan Phổ cập (GSP) dành cho Thổ Nhĩ Kỳ kể từ ngày 17/5/2019, qua đó áp thuế lên khoảng 1,66 tỷ USD hàng hóa của nước này.
Trên thực tế, việc dùng "lá bài" trừng phạt kinh tế của Mỹ cũng đã khiến nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ hứng chịu những thiệt hại đáng kể. Trong năm ngoái, cuộc khủng hoảng do các lệnh trừng phạt và thuế quan của Mỹ đã góp phần khiến nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào tình trạng suy thoái kỹ thuật, và tỷ lệ thất nghiệp lên tới 14,7% - mức cao nhất trong gần một thập niên. Đồng lira của nước này cũng trở thành một trong những đồng tiền "tuột dốc" nhanh nhất thế giới khi mất gần 30% giá trị - mức giảm mạnh nhất trong gần 10 năm nay.
Nền kinh tế mong manh
Theo Reuters, trong những tháng gần đây, nền kinh tế trị giá 766 tỷ USD của Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ như đang dần hồi phục nhưng vẫn ở trong tình trạng khá mong manh. Các số liệu mới được công bố cho thấy, sản lượng công nghiệp của Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng Tám đã giảm 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm sâu hơn dự kiến. Còn theo dữ liệu từ IHS Markit, các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) kỳ hạn 5 năm tại Thổ Nhĩ Kỳ - vốn được coi là công cụ phòng ngừa rủi ro tài chính, hiện đã tăng 11 điểm cơ bản lên 404 điểm cơ bản, phần nào cho thấy tâm lý bất an của giới đầu tư nước này.
Trong bối cảnh đó, Ankara lại một lần nữa phải đối mặt với thách thức từ Washington. Bên cạnh lệnh trừng phạt nhằm vào các quan chức quyền lực nhất thuộc các bộ Quốc phòng, Năng lượng và Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ, chính quyền Tổng thống Donald Trump còn tăng mức thuế đối với mặt hàng thép của Thổ Nhĩ Kỳ lên 50% giống như 6 tháng trước, và đặc biệt là ngừng đàm phán Hiệp định thương mại trị giá 100 tỷ USD với Ankara. Đây có thể coi là một đòn giáng mạnh vào những kỳ vọng của Thổ Nhĩ Kỳ, trong việc cải thiện kim ngạch thương mại với Mỹ, và giảm bớt sự phụ thuộc vào Liên minh châu Âu (EU). EU hiện vẫn đang là đối tác thương mại số một của Thổ Nhĩ Kỳ với kim ngạch thương mại 2 chiều 171 tỷ USD/năm, cao gấp 8,5 lần Mỹ (20 tỷ USD/năm).
Ngoài ra, theo Financial Times, các biện pháp trừng phạt cũng có thể đe dọa tới nguồn cung vốn từ nước ngoài mà Thổ Nhĩ Kỳ đang rất cần để vực dậy nền kinh tế. Quốc gia này hiện đang có các khoản nợ ngắn hạn lên tới 180 tỷ USD sẽ đến hạn thanh toán trong năm tới. Việc hãng xe Đức Volkswagen vừa tuyên bố tạm hoãn dự án nhà máy trị giá 1,4 tỷ USD tại Thổ Nhĩ Kỳ, cũng làm dấy lên nỗi lo ngại quốc gia này sẽ bị nhiều nhà đầu tư phương Tây xa lánh.
Al Jazeera dẫn lời ông Inanc Sozer – Chuyên gia kinh tế trưởng tại Turkey Macroview Consulting cho biết, với các tuyên bố trừng phạt từ phía Washington, việc nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ có thể đạt mức tăng trưởng 0% trong năm nay đã là một thành công. Ông Sozer tỏ ra khá bi quan: "Nếu Mỹ triển khai các biện pháp trừng phạt vào năm tới, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải đối mặt với một sự sụt giảm tăng trưởng, có thể là vào khoảng 5%. Nền kinh tế hiện đang rất mong manh, và thị trường tài chính đã ở trong tình trạng sức khỏe yếu từ năm ngoái. Các biện pháp trừng phạt có thể tạo ra một vòng lặp phản hồi, khiến các nhà sản xuất chịu nhiều sức ép nghiêm trọng".
Sự hoài nghi về hiệu quả của các biện pháp trừng phạt
Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lại tỏ ra hoài nghi về hiệu quả thực sự của các biện pháp trừng phạt, mà minh chứng rõ nét nhất là cú đảo chiều của thị trường. Chỉ một ngày sau tuyên bố của Tổng thống Donald Trump, đồng nội tệ lira của Thổ Nhĩ Kỳ tăng 0,4% so với đồng USD, giao dịch ở mức 5,9 lira đổi 1 USD, trong khi chỉ số chứng khoán BIST100 tăng 1,3%.
Theo Reuters, những tuyên bố mạnh mẽ của Tổng thống Donald Trump về việc hủy diệt nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, đã không thực sự khiến giới chuyên gia và các nhà đầu tư lo lắng, bởi các biện pháp trừng phạt không nhắm vào lĩnh vực tài chính ngân hàng.
CNBC dẫn lời ông Timothy Ash - chiến lược gia cao cấp khu vực thị trường mới nổi của Bluebay Asset Management cho rằng những biện pháp mà chính quyền Tổng thống Donald Trump áp dụng, đều không mang nhiều ý nghĩa thiết thực. "Một vài cá nhân. Một thỏa thuận thương mại còn lâu mới thành hiện thực. Và việc tăng thuế thép lên 50% - một mặt hàng mà Thổ Nhĩ Kỳ gần như không còn xuất khẩu sang Mỹ nữa. Đây giống như một sự trút bớt gánh nặng cho thị trường Thổ Nhĩ Kỳ. Mọi thứ lẽ ra đã có thể tệ hơn".
Thật vậy, các số liệu thống kê của chính phủ Mỹ cho thấy, nhập khẩu thép từ Thổ Nhĩ Kỳ vào Mỹ đã giảm tới 76% kể từ năm 2018. Do đó, số thép có thể bị ảnh hưởng vì lệnh trừng phạt từ phía Mỹ là không quá nhiều. Trong khi đó, với việc mối quan hệ giữa Washington và Ankara đang ở tình trạng tồi tệ nhất trong vòng một thập kỷ qua, triển vọng đạt được một thỏa thuận thương mại vốn dĩ đã khá mờ mịt, ngay cả khi chưa có các biện pháp trừng phạt.
Ngay trong lòng nước Mỹ, nhiều chính trị gia cũng bày tỏ sự thiếu tin tưởng vào ý nghĩa thực sự của các lệnh trừng phạt. Lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện khẳng định, các biện pháp trừng phạt dù tốt và hợp lý, sẽ là không đủ, trong khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thẳng thừng tuyên bố: "Gói biện pháp trừng phạt nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thể đảo ngược thảm họa nhân đạo (tại Syria)".
Thậm chí, một số ý kiến chỉ trích cho rằng, các biện pháp trừng phạt kinh tế thay vì gây tổn hại, sẽ chỉ khiến chính quyền của Tổng thống Tayyip Erdogan trở nên vững vàng hơn. CNN dẫn lời chuyên gia cao cấp Aykan Erdemir – một cựu nghị sĩ Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ cho biết: "Theo một cách thức sai lầm, điều này thực sự đang giúp cho ông Erdogan." Theo ông Erdemir, chính quyền Tổng thống Erdogan giờ đây có thể giải thích với người dân Thổ Nhĩ Kỳ rằng, tất cả những khó khăn kinh tế mà họ đang phải đối mặt không phải lỗi của chính phủ, mà là do tác động từ các biện pháp trừng phạt của phía Mỹ.
Thái độ của chính quyền Tổng thống Donald Trump
Một vấn đề khác cũng rất được chú ý, đó là phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump hoàn toàn không đề cập đến việc ngừng bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ - điều mà nhiều nghị sĩ tại lưỡng viện Quốc hội Mỹ đang theo đuổi, và một số quốc gia đồng minh NATO của Mỹ đã thực hiện trong những ngày qua.
Theo CNN, trái ngược với những tuyên bố cứng rắn, chính quyền Tổng thống Donald Trump lại tỏ ra khá dè dặt trong việc áp dụng những biện pháp cứng rắn đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Washington vẫn chưa áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Ankara liên quan đến việc nước này mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 của Nga. Tổng thống Trump cũng được cho là đã chần chừ trong việc loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình mua máy bay chiến đấu F-35 do Mỹ sản xuất, vốn được coi là một nguồn lợi kinh tế quan trọng.
Tương tự, chính quyền Tổng thống Trump cũng không có hành động nào đáng kể để ngăn cản việc Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ tài chính cho chính phủ Venezuela hay vi phạm các biện pháp cấm vận của Mỹ nhằm vào Iran. Ví dụ cụ thể nhất là việc Halkbank – ngân hàng thuộc sở hữu của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ - dù bị cáo buộc đã giúp Iran né lệnh cấm vận của Mỹ, nhưng hiện vẫn chưa phải chịu bất kỳ án phạt nào từ Nhà Trắng.
Theo các chuyên gia, dù không hài lòng với nhiều chính sách của Ankara, Tổng thống Donald Trump nhiều khả năng sẽ không muốn đẩy mối quan hệ song phương đến mức quá căng thẳng, có thể phương hại đến lợi ích quốc gia của nước Mỹ. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt vẫn được chính quyền của ông đưa ra, chủ yếu là để đáp ứng yêu cầu phải hành động của Quốc hội và dư luận Mỹ, hơn là mang tính thực chất. Chuyên gia Jose Braml – Giám đốc Chương trình nghiên cứu châu Mỹ tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại Đức bình luận: "Nếu bạn đang phải đối mặt với sự phản đối từ trong nước, sẽ tốt hơn nếu luôn luôn đi trước. Bạn nên là nhà lãnh đạo mạnh mẽ, chủ động đưa ra các biện pháp trừng phạt, thay vì chờ đợi Quốc hội yêu cầu làm điều đó".
Và nếu chỉ dừng lại ở mức độ như hiện nay, sẽ rất khó để các biện pháp trừng phạt từ Washington có thể buộc Ankara đảo ngược chính sách quân sự của nước này tại Syria.
Nguồn: Tổng hợp (Financial Times, CNBC, Reuters, Foreign Policy, CNN
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!