Người Kurd "bắt tay" với chính phủ Syria - Bước ngoặt mới trong cuộc chiến

Nhật Anh – Trung tâm tin tức VTV24 (theo New York Times, Time)-Thứ hai, ngày 14/10/2019 18:08 GMT+7

VTV.vn - Từng là kẻ thù của chính quyền Syria trong nhiều năm, chỉ trong đêm qua, các lực lượng người Kurd ở Bắc Syria đã đạt được thỏa thuận chớp nhoáng với chính quyền Damascus.

Theo đó, các binh sĩ của Chính phủ Syria sẽ được triển khai tới khu vực người Kurd ở gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ để đối phó với cuộc tấn công quân sự của Ankara. Sự thay đổi bất ngờ này đã đánh dấu bước chuyển lớn trong cuộc xung đột kéo dài 8 năm nay tại Syria.

Các lực lượng người Kurd ở Syria sáng nay đã công bố một thỏa thuận mới, nhằm đề nghị sự trợ giúp của chính phủ Syria trong nỗ lực chống lại các cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào họ ở miền Bắc Syria.

Lãnh đạo Ismat Sheikh Hassan của Hội đồng quân sự Kobani cho biết nhóm của ông đã đạt được thỏa thuận với chính phủ Syria , sau khi cho rằng người Kurd ở Syria đã bị Mỹ bỏ rơi.

"Dường như đây là số phận của người dân Kurd. Chúng tôi đã làm mọi việc có thể, chúng tôi đã kêu gọi cộng đồng quốc tế, bao gồm Liên đoàn Arab như các bạn thấy trên truyền thông. Tuy nhiên, những cuộc họp với Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Liên đoàn Arab chưa đưa ra được giải pháp. Tự chúng tôi phải hàn gắn nỗi đau của mình" – ông Hassan nói – "Khi chúng tôi kêu gọi tất cả người Kurd nên dựa vào sự đoàn kết của chúng tôi, không ai lắng nghe. Bây giờ chúng tôi đã đạt được thỏa thuận với chính phủ Syria".

Người Kurd bắt tay với chính phủ Syria - Bước ngoặt mới trong cuộc chiến - Ảnh 1.

Thỏa thuận trên, nhiều khả năng do Nga làm trung gian, được đưa ra giữa lúc lãnh thổ do người Kurd kiểm soát ở Đông Bắc Syria đã trải qua 5 ngày liên tiếp bị quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tấn công. Thỏa thuận cũng đặt dấu chấm hết cho 5 năm bán tự trị của các nhóm người Kurd ở khu vực này. Và đây được cho là sự lựa chọn bắt buộc của họ, trước làn đạn tấn công từ Thổ Nhĩ Kỳ.

"Người Kurd đã không còn lựa chọn. Trước đây Mỹ là lá chắn bảo vệ cho họ, chỉ đơn giản với việc đóng quân ở đó. Chừng nào Mỹ còn ở đó, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ khó có khả năng tràn sang. Việc quân Mỹ rút khỏi miền Bắc Syria đã mở đường cho Thổ Nhĩ Kỳ", chuyên gia phân tích Trung Đông của BBC Sebastian Usher bình luận. 

"Đối với những người Kurd trong khu vực do họ từng kiểm soát và chưa bao giờ xung đột trực tiếp với quân đội Syria, họ sẽ không bị Damascus trừng phạt nặng nề. Nhìn rộng ra toàn cảnh, diễn biến mới nhất này có thể khiến Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đối đầu trực diện", ông Usher nhận định thêm.

Ý nghĩa của Thỏa thuận giữa người Kurd và chính phủ Syria?

Theo Thỏa thuận đạt được giữa chính phủ Syria và Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd đứng đầu, quân đội Syria có thể triển khai dọc biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ để chống đỡ đòn tấn công của Ankara. Thỏa thuận này cũng "mở đường cho việc giải phóng những thành phố còn lại bị quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng như Afrin". Quân đội Syria được cho đã tiến vào thành phố Manbij ở Bắc tỉnh Aleppo vào tối ngày 13/10, theo nhiều nguồn tin.

Hiện chưa rõ liệu sẽ có hay không những thỏa thuận tương tự cho các khu vực khác dọc biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ ở tỉnh Hasakah hay tại các thành phố lớn như Manbij, Raqqa và vùng nông thôn Deir Ezzor.

Đây được cho là bước chuyển lớn trong lập trường của Lực lượng người Kurd tại phía Bắc Syria, được thực hiện chỉ vài giờ sau khi Mỹ ra lệnh rút toàn bộ binh sĩ Mỹ khỏi khu vực miền Bắc Syria, tránh một cuộc xung đột "không thể kiểm soát". Hãng tin Reuters gọi động thái này của Lầu Năm Góc là đem lại một thắng lợi lớn đối với chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Bởi nó cho thấy tầm ảnh hưởng yếu dần của Washington đối với tình hình tại Syria và sự thất bại của phương Tây trong việc kìm chân Tổng thống Assad khỏi "với tới" những khu vực đã mất trong cuộc xung đột dai dẳng 8 năm ở quốc gia Trung Đông này. Rõ ràng, việc chính phủ Syria đạt được thỏa thuận với lực lượng người Kurd tại khu vực Đông Bắc sẽ làm gia tăng ảnh hưởng và củng cố sự kiểm soát của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad tại khu vực này.

Người Kurd bắt tay với chính phủ Syria - Bước ngoặt mới trong cuộc chiến - Ảnh 2.
Người Kurd bắt tay với chính phủ Syria - Bước ngoặt mới trong cuộc chiến - Ảnh 3.

Các lực lượng người Kurd tại Syria vẫn coi việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh rút quân khỏi Bắc Syria một động thái "bỏ rơi" đồng minh sau hơn 5 năm sát cánh bên nhau trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Tuy nhiên, theo Reuters, quyết định của ông Trump nằm trong chiến lược dài hạn là rút Mỹ khỏi những cuộc chiến vô nghĩa và không hồi kết ở chảo lửa Trung Đông. Người đứng đầu Nhà Trắng nhấn mạnh, cuộc chiến giữa người Kurd và Thổ Nhĩ Kỳ đã có từ rất lâu và Mỹ không nên can dự.

"Người Kurd và Thổ Nhĩ Kỳ đã xung đột với nhau trong rất nhiều năm. Thổ Nhĩ Kỳ coi PKK (Đảng Công nhân người Kurd) là những kẻ khủng bố tồi tệ nhất. Những người khác có thể muốn tới tham chiến cho bên này hoặc bên kia. Cứ để họ làm vậy đi. Chúng ta đang quan sát chặt chẽ tình hình. Cuộc chiến không hồi kết!", ông Trump viết trên Twitter.

Nguy cơ đối đầu trực diện Thổ Nhĩ Kỳ - Syria

Động thái rút quân của Mỹ và hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ đã làm thay đổi cục diện cuộc chiến tại Syria. Và giờ đây, khi các lực lượng người Kurd ở miền Bắc Syria quay sang liên minh với Chính phủ Syria, tình thế lại tiếp tục xoay vần theo một hướng khác. Sự trở lại của quân đội Syria tại khu vực biên giới Đông Bắc giáp Thổ Nhĩ Kỳ được cho là có khả năng dẫn đến một cuộc xung đột lớn hơn, với khả năng đụng độ trực tiếp giữa Thổ Nhĩ Kỳ và quân đội Syria. Chuyên gia Joshua Landis, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Đông của Đại học Oklahoma (Mỹ) cho rằng, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và người đồng cấp Syria Bashar al-Assad cần thực hiện mọi biện pháp ngoại giao nhằm tránh một cuộc chiến tranh toàn diện giữa hai quốc gia.

Trước đó, Tổng thống Trump bày tỏ hy vọng Mỹ có thể là một bên trung gian hòa giải giữa người Kurd và Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng cũng cảnh báo cho Ankara biết rằng, nếu nước này "không chơi theo luật lệ" thì Washington sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt. "Chúng tôi sẽ chọn một trong ba lựa chọn: Gửi thêm hàng ngàn quân và giành thắng lợi quân sự, gây áp lực tài chính và áp đặt nghiêm ngặt các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ, hoặc làm trung gian cho một thỏa thuận giữa Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd!", ông Trump nhấn mạnh.

Người Kurd bắt tay với chính phủ Syria - Bước ngoặt mới trong cuộc chiến - Ảnh 4.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Huseyin Bagci từ Đại học Kỹ thuật Trung Đông ở Ankara, tin rằng không có đề xuất nào của ông Trump là thực tế. "Để gửi quân đội Mỹ tới chiến đấu với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là một quyết định rất tốn kém cho Mỹ, nhất là sau những thất bại ở Afghanistan và Iraq. Thậm chí, đây là lần đầu tiên trong lịch sử NATO, các binh sĩ của hai thành viên liên minh sẽ chống lại nhau", ông lưu ý.

Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ không chấp nhận bất kỳ vai trò trọng tài nào của Mỹ với người Kurd, Tiến sĩ Bagci nói thêm, cho rằng Ankara sẽ không chấp nhận đàm phán với các tay súng người Kurd vì luôn coi họ là mối đe dọa an ninh.

Giới phân tích tin rằng, Washington dù thế nào cũng sẽ cố gắng "để mắt" tới chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, để người Kurd không bị xóa bỏ hoàn toàn. Vì người Kurd vẫn luôn là một nhân tố tiềm ẩn trong chính sách đối ngoại của Mỹ tại Trung Đông, hơn nữa lại đóng vai trò tích cực trong cuộc chiến chống khủng bố tại khu vực.

Tổng thống Tayyip Erdogan ngày 13/10 tuyên bố chiến dịch sẽ được mở rộng so với kế hoạch ban đầu từ Kobani tại phía Tây đến Hasaka ở phía Đông, tiến sâu khoảng 30km trong lãnh thổ Syria. Ông Erdogan khẳng định: "Chúng tôi sẽ chia rẽ hai hành lang khủng bố. Sau đó sẽ kiểm soát Hasaka một phía và Ain Al Arab một phía, và cuối cùng là hoàn thành chiến dịch. Chúng tôi sẽ tiến sâu hơn 30-35km vào lãnh thổ Syria, phù hợp với bản đồ vùng an toàn như chúng tôi tuyên bố trước đây". Những bước tiến đầu tiên đã đạt được trong chiến dịch là việc kiểm soát được 109 km2 lãnh thổ Syria, bao gồm 21 ngôi làng.

Người Kurd bắt tay với chính phủ Syria - Bước ngoặt mới trong cuộc chiến - Ảnh 5.

Theo các quan chức Mỹ, Tổng thống Donald Trump dự kiến sẽ áp đặt trừng phạt kinh tế nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ, sớm nhất là trong tuần này. Hiện chưa rõ các biện pháp trừng phạt trong sắc lệnh được dự thảo vào tuần trước là gì, nhưng Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin khẳng định sẵn sàng kích hoạt bất cứ thời điểm nào. Thổ Nhĩ Kỳ trước đó cảnh báo sẽ đáp trả bất cứ biện pháp trừng phạt nào của Mỹ và có thể mở cánh cửa cho hơn 3 triệu người di cư tràn vào châu Âu.

Nhiều nước thành viên NATO đã bắt đầu thông báo biện pháp trừng phạt nhằm vào đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ, với việc Mỹ và các nước châu Âu có thể thúc đẩy lệnh cấm bán vũ khí và kêu gọi truy tố về tội phạm chiến tranh. Pháp và Đức là hai quốc gia mới nhất thông báo dừng bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi các nước Liên minh châu Âu hôm nay cũng có cuộc họp cấp Ngoại trưởng tại Luxembourg để thảo luận về biện pháp trừng phạt.

Chiến dịch tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa làm trỗi dậy tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), vốn không còn kiểm soát lãnh thổ ở Syria, nhưng vẫn có các tàn dư đang "ngủ đông". Ước tính khoảng 500-750 thành viên gia đình của các tay súng IS đã trốn khỏi một trại giam giữ của người Kurd trong chiến dịch tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ vào miền Bắc Syria.

Người Kurd bắt tay với chính phủ Syria - Bước ngoặt mới trong cuộc chiến - Ảnh 6.

Kể từ khi chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ nổ ra, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã nhận trách nhiệm về ít nhất hai vụ tấn công ở Syria: Một quả bom xe ở thành phố Qamishli phía Bắc và một vụ bom xe khác tại một căn cứ quân sự quốc tế bên ngoài Hasaka ở khu vực ở phía Nam.

Mỹ nhiều lần khẳng định đã đưa những tù nhân IS khét tiếng nhất ra khỏi Syria để đảm bảo họ sẽ không trốn thoát. Nhưng trên thực tế, quân đội Mỹ mới chỉ bắt lại hai tù binh IS người Anh. Bên cạnh đó, lực lượng người Kurd đã từ chối bàn giao ít nhất 50 tay súng IS có "giá trị cao" vốn bị giam trong các nhà tù của người Kurd. Đây được cho là hành động đáp trả quyết định rút quân của Mỹ. Thái độ của người Kurd với Mỹ có thể sẽ trở nên cứng rắn hơn khi họ đã liên minh với chính quyền của Tổng thống Syria, và khiến Mỹ càng ít có cơ hội đưa thêm bất kỳ tù binh IS nào ra khỏi Syria.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước