Kết quả này không nằm ngoài dự đoán bởi phái đoàn Nga - Mỹ đã đem đến bàn đàm phán những lập trường cứng rắn và các lằn ranh đỏ không thể vượt qua.
Cuộc đàm phán giữa Moscow và Washington lúc này được ví như đang ở trên một con đường rất gập ghềnh, hoặc sẽ là lâu dài và thành công, hoặc sẽ nhanh chóng và thất bại. Với cuộc đàm phán Nga - Mỹ đầu tiên trong gần 8 giờ đồng hồ được phía Nga miêu tả là rất sâu sắc và chuyên nghiệp, hai bên mới chỉ đánh dấu lập trường và lằn ranh đỏ về các vấn đề then chốt trong quan hệ Nga - Mỹ.
Đến thời điểm này, Nga vẫn tuyên bố kiên định với các đề xuất về đảm bảo an ninh, không có ý định nhượng bộ đơn phương, đặc biệt là khi bị áp lực. Điều này cho thấy, những thỏa hiệp, nếu có chỉ có thể xảy ra ở "chặng đường dài" và quá trình đàm phán này sẽ rất phức tạp. Hiện Nga đang cố gắng khôi phục cơ chế an ninh ở châu Âu và theo đường lối buộc Mỹ phải khôi phục. Tất nhiên, nền tảng của các chính trị gia Mỹ không cho phép tạo ra một hệ thống an ninh cân bằng mà bị tổn hại danh tiếng. Các nhà ngoại giao Nga rất hiểu điều này và tất cả mới chỉ đang ở giai đoạn đầu của một tiến trình đàm phán lớn.
Về phía Mỹ, nước này đã thể hiện một lập trường cứng rắn khi phản bác những đề xuất an ninh của Moscow, gọi đây là những đòi hỏi không thực tế và bày tỏ sẵn sàng hành động mạnh mẽ đối với Nga.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman (trái) và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tham dự các cuộc đàm phán an ninh tại Phái bộ Hoa Kỳ ở Geneve, Thụy Sĩ, ngày 10/1/2022. (Ảnh: AP)
Trong các thông báo chính thức, Mỹ luôn khẳng định muốn có một kết quả khả quan bằng biện pháp ngoại giao. Muốn vậy, phải giảm căng thẳng ở khu vực biên giới Nga - Ukraine, nơi Mỹ và NATO cho rằng Nga đang bố trí khoảng 100.000 lính ở đây.
Mỹ cho biết, trong 10 ngày qua, nước này đã liên tục làm việc với các đối tác về các biện pháp trừng phạt, cấm vận Nga ở mọi cấp độ và gửi đi thông điệp rằng, chi phí mà Nga phải gánh chịu trong trường hợp xảy ra xung đột sẽ nặng nề hơn so với năm 2014.
Mỹ và các đồng minh cũng bảo lưu quan điểm rằng, một nước không thể đưa ra các điều kiện trong chính sách đối ngoại của nước khác, hoặc cấm nước khác lựa chọn đồng minh, đối tác.
Như vậy, hai bên chưa tìm được tiếng nói chung và chúng ta phải tiếp tục chờ đợi các cuộc đàm phán sắp tới.
Theo kế hoạch, vào ngày 12/1, tại Brussels (Bỉ) sẽ diễn ra cuộc họp Hội đồng Nga - NATO, trong khi hội nghị của Hội đồng thường trực OSCE diễn ra trong ngày 13/1 ở Vienna (Áo). Những chủ đề gai góc nhất trong quan hệ giữa Nga với các nước phương Tây từ vấn đề Ukraine cho tới việc mở rộng NATO đều nằm trong lằn ranh đỏ mà hai bên đặt ra cho nhau trong các cuộc đàm phán này. Và vì thế, bất cứ kỳ vọng nào vào một sự "hòa giải cuối cùng" giữa Nga và phương Tây trong một tương lai gần đều là không có cơ sở.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!