Đàm phán Brexit bế tắc làm tăng nguy cơ Anh rời EU không thỏa thuận

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 14/10/2017 06:00 GMT+7

VTV.vn - Qua kết quả vòng 5 đàm phán Brexit, nguy cơ Anh rời Liên minh châu Âu (EU) không thỏa thuận đang trở nên rõ nét hơn.

Theo dự kiến ban đầu, tới thời điểm này, Anh và EU phải thoả thuận được xong các chi tiết liên quan đến việc chia tay, chuẩn bị bước sang giai đoạn 2, bàn về quan hệ thương mại trong tương lai. Nhưng hiện tại, đàm phán vẫn chưa có tiến bộ nào đáng kể, thậm chí rơi vào bế tắc.

Lê Hồng Quang - phóng viên thường trú của VTV tại Brussels (Bỉ) nhận định: "Bế tắc lớn nhất có lẽ vẫn là cách thức đàm phán của nước Anh mà phía châu Âu cho là quá nhùng nhằng, không dứt khoát. Ông Michel Barnier - Trưởng đoàn đàm phán về phía EU - nhiều lần nhắc đến từ impasse tức là ngõ cụt, bế tắc. Phía châu Âu muốn chia tay dứt điểm thì mới bàn đến quan hệ tương lai, còn nước Anh lại rất muốn biết sau này có thể thâm nhập thị trường chung châu Âu đến mức độ nào, coi đó là điều kiện để giải quyết các vấn đề lúc này".

"Một bế tắc khác còn là chuyện tiền nong. Phía châu Âu lúc này chưa yêu cầu phía Anh phải cam kết một con số cụ thể mà chỉ muốn nước Anh nhất trí về cách tính, nhưng điều đó cũng không đạt được", phóng viên Hồng Quang cho biết.

Còn phóng viên Phương Huyền - Trưởng đại diện cơ quan thường trú của VTV tại Anh - cho rằng Brexit ngay từ đầu đã là vấn đề gây chia rẽ dư luận và cả nội bộ chính trường Anh. Cô nhận định: "Với thủ tướng Anh Theresa May, áp lực lớn hơn rất nhiều sau kỳ bầu cử được coi là thất bại hồi giữa năm. Bản thân nội bộ Đảng cầm quyền còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau về cách thức chia tay. Ổn định chính trường trong nước cũng được xem là một lý do để bà theo đuổi quan điểm đàm phán vừa cứng vừa nhượng bộ như hiện nay. Một mặt bà tuyên bố vẫn chấp nhận ra về tay không để trấn an được nhóm nghị sĩ và công luận có thái độ hoài nghi châu Âu, ủng hộ Brexit cứng nhưng một mặt lại vì thực tế đàm phán và vì lợi ích số đông, vẫn phải nhượng bộ như những gì đã tuyên bố ở Florence".

Dù lập trường của Anh và các nhà đàm phán châu Âu có khác nhau, nhưng Chủ tịch hội đồng châu Âu Donald Tusk đã nói rõ rằng, một sự ra đi không có thỏa thuận sẽ là kết quả tồi cho tất cả các bên, nhất là với nước Anh. Việc ra đi không thỏa thuận có thể sẽ là kịch bản tệ hại cho nền kinh tế Anh. Ngân hàng Rabobank ước tính một cuộc ra đi không có thỏa thuận sẽ gây thiệt hại 15.000 USD cho mỗi công nhân Anh vào năm 2030.

Với diễn biến bế tắc trong đàm phán Brexit, cả Anh và EU đều đang âm thầm chuẩn bị cho tình huống xấu. Không chỉ Anh, các nền kinh tế lớn khác của châu Âu như Đức cũng đã có kịch bản đối phó. Tuần trước, một đại diện của Liên đoàn Công nghiệp Đức cho biết, họ đã thiết lập một nhóm hành động gồm các tập đoàn lớn để chuẩn bị cho khả năng đàm phán đổ vỡ.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước