COVID-19 có dấu hiệu tái bùng phát tại Nhật Bản, số ca tái nhiễm ở Anh cao gấp 10 lần so với đầu dịch

Quỳnh Chi (Theo Worldometers)-Thứ sáu, ngày 01/04/2022 06:51 GMT+7

Hơn 487,92 triệu người trên thế giới đã mắc virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)

VTV.vn - Đến sáng 1/4, thế giới có trên 487,92 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,16 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 81,75 triệu ca mắc và hơn 1 triệu trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 15.300 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đã dỡ bỏ khuyến cáo về nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 trên các du thuyền. Tuyên bố của CDC nêu rõ, động thái trên không đồng nghĩa không có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trên các du thuyền, nhưng du khách sẽ có thể tự cân nhắc rủi ro khi lựa chọn hình thức du lịch bằng phương tiện này, tương tự việc tự cân nhắc đối với các hình thức du lịch khác.

CDC Mỹ vẫn khuyến nghị, du khách nên tiêm vaccine ngừa COVID-19 trước mỗi chuyến du lịch. Ngoài ra, những người có bệnh nền, hệ miễn dịch yếu hoặc có nguy cơ mắc bệnh nặng cần tham khảo ý kiến của các bác sĩ để thực hiện các biện pháp phòng ngừa bổ sung.

Dù Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ đã cho phép người trên 50 tuổi được tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 tăng cường thứ 2, nhiều chuyên gia y tế cộng đồng hiện cho rằng, một số đối tượng trẻ và khỏe hơn trong nhóm trên không nên vội vã tiêm mũi thứ 4. Thông báo của FDA cũng như hướng dẫn mới của CDC cho phép người trên 50 tuổi được tiêm mũi vaccine thứ 4 của Pfizer-BioNTech hoặc Moderna ít nhất 4 tháng sau mũi tiêm tăng cường đầu tiên. Bên cạnh đó, những người suy giảm hệ miễn dịch cũng có thể tiêm mũi tăng cường thứ 2. Ngoài ra, CDC khuyến nghị người đã tiêm 2 mũi vaccine của Johnson&Johnson có thể tiêm mũi tăng cường của Pfizer hoặc Moderna.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 31/3, nước này ghi nhận tổng cộng trên 43,02 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 521.000 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 659.500 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 29,9 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Thống kê cho thấy, trước tháng 11/2021, Anh chỉ ghi nhận chưa đầy 1% số ca tái nhiễm. Tuy nhiên, điều này đã trở nên phổ biến hơn sau khi biến thể Omicron xuất hiện vào cuối tháng 11/2021. Theo đó, số ca tái nhiễm trong năm nay tại Anh đã cao hơn khoảng 10 lần so với thời kỳ đầu của đại dịch.

Theo giới chuyên gia, nguyên nhân khiến ngày càng nhiều người mắc lại COVID-19 là do sự xuất hiện của Omicron, biến thể được cho là có khả năng "né tránh" các "hệ thống phòng thủ", vốn được hình thành từ các lần lây nhiễm cũ. Rất may là hầu hết người mắc COVID-19 lần thứ hai ít khi diễn tiến nặng. Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy, việc nhiễm Omicron và tiêm vaccine sẽ giúp cơ thể có sự chuẩn bị tốt hơn chống lại nguy cơ lây nhiễm mới. Tại Anh, kể từ đầu năm nay, khoảng 4,5 triệu người đã tiêm mũi tăng cường.

Trên thực tế, hầu hết người dân đều có thể mắc virus chủng Corona, trong đó có những chủng gây cảm lạnh thông thường mà bất kỳ ai cũng có thể mắc phải nhiều lần trong đời. Biến thể Omicron được cho là nguyên nhân chính đẩy số ca nhiễm tại Anh trở lại mức cao kỷ lục. Dữ liệu cho thấy, hầu hết các ca tái nhiễm là những người trẻ tuổi, chưa tiêm vaccine.

COVID-19 có dấu hiệu tái bùng phát tại Nhật Bản, số ca tái nhiễm ở Anh cao gấp 10 lần so với đầu dịch - Ảnh 1.

Số ca nhiễm COVID-19 tại Anh đã tăng trở lại mức cao kỷ lục. (Ảnh: AP)

Bộ trưởng Bộ Y tế Bulgaria Assena Serbezova cho biết, nước này sẽ hủy bỏ tất cả các biện pháp phòng ngừa dịch COVID-19 từ đầu tháng 4, trong đó có quy định đeo khẩu trang trong không gian kín và lệnh cấm đi lại đối với người nước ngoài đến từ những quốc gia mà tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến nghiêm trọng. Ngoài ra, các biện pháp khác cũng được dỡ bỏ là hạn chế công suất các nhà hàng, rạp hát, các sự kiện, quy định giãn cách xã hội bắt buộc và việc học trực tuyến. Tất cả những người nước ngoài sẽ được phép nhập cảnh vào nước này nếu xuất trình giấy chứng nhận COVID-19 hợp lệ như đã tiêm chủng hoặc khỏi bệnh hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính.

Động thái trên diễn ra sau khi Chính phủ Bulgaria quyết định chấm dứt tình trạng cảnh báo toàn quốc được áp đặt cách đây 2 năm, thời điểm dịch bệnh bắt đầu bùng phát ở quốc gia Balkan này. Hiện Bulgaria là quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 thấp nhất trong Liên minh châu Âu (EU) với chưa đến 30% dân số tiêm đủ liều cơ bản. Đến nay, đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 36.498 người ở Bulgaria, quốc gia có 7 triệu dân.

Chính phủ Thụy Sĩ cho biết, nước này sẽ dỡ bỏ những biện pháp hạn chế còn lại vẫn đang được áp dụng vì dịch bệnh COVID-19 từ ngày 1/4 trong bối cảnh Thụy Sĩ đang tìm cách sống chung với dịch bệnh. Theo đó, quy định đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng và tại các cơ sở y tế, cũng như yêu cầu tự cách ly 5 ngày sau khi mắc COVID-19, sẽ được hủy bỏ. Chính phủ Thụy Sĩ cũng sẽ tạm thời hủy ứng dụng Swiss COVID xác định những người có tiếp xúc gần với những người khác nhiễm virus.

Theo Chính phủ Thụy Sĩ, quyết định trên được đưa ra sau khi tỷ lệ tiêm chủng tăng cao và không có sự gia tăng đột biến về số ca nguy kịch trong những tuần gần đây dù số ca nhiễm mới hiện vẫn tăng. Chính phủ Thụy Sĩ cho rằng, đại dịch có thể chưa kết thúc nhưng sẽ trở thành bệnh đặc hữu với các đợt lây nhiễm theo mùa có khả năng xảy ra trong tương lai.

Số ca nhiễm mới tại Thụy Sĩ vẫn duy trì ở mức cao với 16.462 ca nhiễm mới ghi nhận ngày 30/3 và 8.177 ngày 31/3. Đến nay, Thụy Sĩ ghi nhận tổng cộng trên 3,48 triệu người, tương đương 41% dân số nước này, mắc COVID-19, trong đó có 13.709 ca tử vong. Hiện 69% trong tổng số 8,6 triệu người tại Thụy Sĩ đã tiêm đủ liều vaccine cơ bản.

Từ ngày 1/4, du khách đến Thái Lan sẽ không cần phải thực hiện xét nghiệm COVID-19 trước khi khởi hành. Phát biểu vào ngày 31/3, người phát ngôn Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) của Thái Lan cho biết, nước này sẽ bỏ quy định yêu cầu phải có chứng nhận kết quả xét nghiệm PT-PCR âm tính trước khi khởi hành với những du khách nhập cảnh theo các chương trình "Test & Go", "Hộp cát" và "Cách ly" từ ngày 1/4.

Tuy nhiên, những người nhập cảnh theo một trong các chương trình này sẽ vẫn phải làm xét nghiệm RT-PCR khi đến. Họ cũng được yêu cầu tự xét nghiệm bằng phương pháp kháng nguyên vào ngày thứ 5 sau khi đến và theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú.

Ngoài ra, du khách đến theo chương trình "Hộp cát" phải ở tại khu vực được chỉ định trong 5 ngày. Du khách đến theo chương trình cách ly, kể cả những người bị bắt khi nhập cảnh bất hợp pháp, sẽ bị cách ly trong 5 ngày và làm xét nghiệm RT-PCR vào ngày thứ 4 hoặc thứ 5 sau khi đến.

Các trường đại học và cao đẳng ở Myanmar sẽ mở cửa trở lại từ ngày 12/5 tới sau hai năm tạm thời đóng cửa do đại dịch COVID-19 hoành hành. Trong thông báo ngày 31/3, Bộ Giáo dục Myanmar nêu rõ, tất cả các trường đại học chuyên ngành khoa học và nghệ thuật, cũng như các trường cao đẳng tại nước này sẽ mở lại toàn bộ lớp học và khóa học từ ngày ấn định nói trên. Những sinh viên đã trúng tuyển năm học 2019-2020 cũng có thể nhập học các lớp năm thứ nhất.

COVID-19 có dấu hiệu tái bùng phát tại Nhật Bản, số ca tái nhiễm ở Anh cao gấp 10 lần so với đầu dịch - Ảnh 2.

Myanmar sẽ mở cửa trở lại các trường đại học và cao đẳng từ ngày 12/5. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Bộ này cũng cho biết, các khóa học cho sinh viên bán thời gian của những trường đại học nói trên sẽ mở lại trong tháng 9 và 10. Trong khi đó, vào tháng 11, các trường đại học sẽ đón sinh viên năm nhất là các thí sinh trúng tuyển kỳ thi đầu vào năm học 2021-2022.

Thông báo này được đưa ra sau khi Myanmar nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, bao gồm cho phép tụ tập đến 400 người tại các nơi công cộng. Theo số liệu mới nhất của Bộ Y tế Myanmar, tính đến ngày 29/3, nước này đã tiêm được hơn 49,7 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho người dân.

Malaysia sẽ chính thức mở cửa biên giới vào ngày 1/4 sau hơn hai năm đóng cửa kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Các nước láng giềng sẽ là động lực thúc đẩy việc tái mở cửa "ngành công nghiệp không khói" tại quốc gia này.

Phát biểu tại lễ công bố Kế hoạch Chiến lược và tiếp thị du lịch Malaysia giai đoạn 2022-2026, Bộ trưởng Bộ Du lịch, Nghệ thuật và Văn hóa Malaysia cho biết, lượng khách du lịch quốc tế đến Malaysia trong năm nay sẽ tăng dần, trước hết từ các nước láng giềng như Singapore, Thái Lan, Indonesia, Brunei, tiếp đến là các nước Đông Nam Á khác và cuối cùng là từ các thị trường chặng dài và trung bình.

Trong những ngày gần đây, có một số dấu hiệu cho thấy dịch COVID-19 đang tái bùng phát tại Nhật Bản. Ngày 30/3, Nhật Bản ghi nhận thêm 53.753 ca mắc COVID-19, tăng 12.000 ca so với một tuần trước đó. Trong khi đó, ngày 31/3, con số này là 52.765 trường hợp. Đây là ngày thứ 6 liên tiếp, số ca bệnh mới ở nước này gia tăng. Riêng tại thủ đô Tokyo, số ca mắc mới tăng 1,5 lần so với một tuần trước đó, lên 9.520 ca. Số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 bình quân trong tuần từ 24 - 30/3 cũng tăng 21,1%, lên 7.622,6 ca/ngày.

Trước đó, khi Chính phủ Nhật Bản quyết định dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch trọng điểm trên toàn quốc từ ngày 22/3. Không ít chuyên gia y tế đã cảnh báo, dịch COVID-19 có thể bùng phát trở lại ở nước này bất kỳ lúc nào vì khi đó tốc độ giảm số ca nhiễm mới ở một số khu vực vẫn còn khá chậm. Thậm chí, một số chuyên gia còn cho rằng, quốc gia Đông Bắc Á này vẫn đang trong làn sóng lây nhiễm thứ 6.

Ngày 31/3, chính quyền Thượng Hải (Trung Quốc) đã kêu gọi người dân tiếp tục hợp tác thực hiện các biện pháp hạn chế chặt chẽ được áp dụng để ngăn chặn COVID-19 lan rộng. Lời kêu gọi được đưa ra trong bối cảnh Thượng Hải, thành phố đông dân nhất ở Trung Quốc với 26 triệu người, bước vào ngày thứ tư của đợt phong tỏa hai giai đoạn.

Ngày 30/3, Thượng Hải báo cáo 5.298 trường hợp mắc COVID-19 mới không có triệu chứng lây nhiễm tại địa phương và 355 trường hợp có triệu chứng, giảm so với 5.656 ca không có triệu chứng và 326 ca mắc mới có triệu chứng được ghi nhận một ngày trước đó. Thượng Hải chiếm khoảng 80% số trường hợp nhiễm COVID-19 không có triệu chứng được báo cáo trên toàn Trung Quốc vào ngày 30/3, và con số này đối với số ca có triệu chứng là khoảng 20% ​.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố bản cập nhật đánh giá về dịch COVID-19 và nêu ra 3 kịch bản dịch bệnh có thể diễn biến trong năm nay. Theo Tổng Giám đốc WHO, kịch bản có khả năng xảy ra nhất là virus SARS-CoV-2 tiếp tục tiến hóa, nhưng mức độ nghiêm trọng của dịch sẽ giảm xuống theo thời gian, khi khả năng miễn dịch tăng lên nhờ vaccine và lây nhiễm.

Kịch bản thứ 2 là các biến thể ít nguy hiểm hơn sẽ xuất hiện, và khi đó các mũi vaccine tăng cường hoặc công thức vaccine mới có thể sẽ không cần thiết. Kịch bản thứ 3 là một biến chủng mới sẽ xuất hiện và sẽ khiến khả năng chống lây nhiễm của vaccine giảm xuống nhanh chóng.

Theo người đứng đầu WHO, đây có thể sẽ là bản cập nhật cuối cùng mà tổ chức này đưa ra liên quan đến các kịch bản dịch COVID-19.

Các triệu chứng COVID kéo dài có thể khác nhau căn cứ vào loại biến thể của virus SARS-CoV-2 mà người bệnh mắc phải. Dự kiến kết quả nghiên cứu sơ bộ về vấn đề này sẽ được công bố tại Hội nghị châu Âu về vi sinh lâm sàng và bệnh truyền nhiễm trong tháng 4. Đây là lần đầu tiên các triệu chứng COVID kéo dài được ghi nhận có liên quan đến các biến thể virus khác nhau.

Tuy nhiên, các tác giả thừa nhận vẫn có nhiều hạn chế trong nghiên cứu, như không thể chứng minh được nguyên nhân và hệ quả, cũng như thực tế không thể xác nhận được người bệnh mắc biến thể nào. Nhà nghiên cứu Michele Spinicci, một trong các tác giả, nhận định, trong tương lai “cần tập trung vào những nguy cơ tiềm tàng của các biến thể đáng quan ngại và tình trạng tiêm chủng" khi nghiên cứu triệu chứng đang diễn ra của người bệnh.

Thượng Hải kêu gọi người dân kiên nhẫn thực hiện các biện pháp phong tỏa Thượng Hải kêu gọi người dân kiên nhẫn thực hiện các biện pháp phong tỏa Singapore sẵn sàng cho việc mở cửa trở lại từ 1/4 Singapore sẵn sàng cho việc mở cửa trở lại từ 1/4 Hàn Quốc dẫn đầu thế giới số ca nhiễm mới hàng ngày, Trung Quốc đang trải qua làn sóng dịch tồi tệ nhất Hàn Quốc dẫn đầu thế giới số ca nhiễm mới hàng ngày, Trung Quốc đang trải qua làn sóng dịch tồi tệ nhất

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước