ASEAN nên thúc đẩy du lịch nội khối trong thời kỳ hậu COVID-19

Quang Duy (Theo Channel News Asia, Reuters, AFP, AP)-Thứ năm, ngày 31/03/2022 14:48 GMT+7

ASEAN nên thúc đẩy du lịch nội khối trong thời kỳ hậu COVID-19 - Ảnh: Getty

VTV.vn - COVID-19 dần được coi là bệnh đặc hữu, các nước trong khu vực Đông Nam Á bắt đầu mở cửa trở lại, du khách nội khối có thể là động lực hồi sinh ngành du lịch ASEAN.

Raini Hamdi chẳng thể ngờ việc đi du lịch lại có thể dễ dàng đến vậy. Cô đi từ Thụy Sĩ đến Singapore, thông qua Bangkok, mà chẳng cần xét nghiệm COVID hay sử dụng các ứng dụng truy vết. Tất cả những gì cây viết chuyên về ngành du lịch này chuẩn bị là giấy chứng nhận đã tiêm đủ số mũi vaccine cần thiết.

Những người như Raini không phải là thiểu số, mà là một phần của làn sóng khách du lịch tại Đông Nam Á mong muốn được di chuyển ngay khi đường biên của các quốc gia được mở lại. Mọi chiếc ghế ngồi trong phòng chờ của Hãng hàng không Singapore Airlines ở nhà ga số 3 của sân bay Changi đều kín chỗ, đợi chờ được lên máy bay sau nhiều tháng. Việc di chuyển giờ đây mang lại cảm giác thuận tiện, tương tự như trước thời kỳ COVID-19 – sự kiện thay đổi hoàn toàn thế giới cùng cuộc sống chúng ta từng thân quen.

ASEAN nên thúc đẩy du lịch nội khối trong thời kỳ hậu COVID-19 - Ảnh 1.

Địa điểm du lịch nổi tiếng của Singapore trước đại dịch COVID-19 - Ảnh: AFP

Người dân ASEAN sẵn sàng rút hầu bao cho du lịch

Trang Channel News Asia gần đây đăng tải lại những con số khả quan về kinh tế tại khu vực ASEAN. Năm 2019, Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) của mười nước ASEAN lên đến 3,2 nghìn tỷ USD. Nền kinh tế khu vực ASEAN lớn thứ năm thế giới chỉ sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức. Nền kinh tế ASEAN được dự đoán sẽ vươn lên đứng thứ tư vào năm 2030.

Cũng theo dự đoán này, ở thời điểm đó, 65% dân số của khu vực sẽ thuộc tầng lớp trung lưu, và 60% tầng lớp này sẽ ở độ tuổi dưới 35. Khối ASEAN vì vậy có một nền dân số trẻ và năng động, phù hợp với nhiều loại hình du lịch khác nhau như du lịch kết hợp công việc, học tập, làm tình nguyện hay du lịch cá nhân.

ASEAN nên thúc đẩy du lịch nội khối trong thời kỳ hậu COVID-19 - Ảnh 2.

Khách du lịch chụp ảnh trên sông Chao Praya tại Bangkok ngày 19/2/2022 - Ảnh: AP

Đây là nhóm tiêu thụ các dịch vụ du lịch rất quan trọng, nhưng triển vọng này chưa được nhìn nhận kỹ càng một phần bởi Đông Nam Á vốn được biết đến là khu vực cung cấp dịch vụ du lịch hấp dẫn thay vì "xuất khẩu" khách du lịch đi đến những nơi khác nhau trên thế giới.

Tuy nhiên, những con số thực tế cho thấy, thị trường ASEAN có sức chi tiêu rất mạnh về du lịch. Năm 2019, nhóm sáu nước ASEAN bao gồm Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Singapore và Việt Nam (tạm gọi là ASEAN-6) có mức chi tiêu tổng cộng khoảng 90 tỷ USD cho du lịch quốc tế. Con số này bằng khoảng 1/3 mức chi tiêu của Trung Quốc – nước xuất khẩu du lịch quốc tế số một thế giới, và đóng góp khoảng 20% tổng doanh thu du lịch quốc tế toàn cầu. Trong nhóm ASEAN-6, Singapore chi nhiều nhất (25,24 tỷ USD), tiếp theo sau là Thái Lan (16,85 tỷ USD). Mức chi tiêu của Philippines, Malaysia và Indonesia dao động khoảng 12 đến 14 tỷ USD.

Đại dịch đã ảnh hưởng trầm trọng đến hoạt động du lịch quốc tế trong khu vực. Từ 90 tỷ USD vào năm 2019, du khách ASEAN chỉ còn tiêu 24,83 tỷ USD trong năm đại dịch đầu tiên. Dẫu vậy, dấu hiệu phục hồi trong lĩnh vực này khá rõ rệt, khi mức chi trong năm 2021 đạt 38,55 tỷ USD. Rõ ràng, đây là thời điểm không thể thích hợp hơn để các nước trong khu vực đẩy mạnh hoạt động du lịch.

Đông Nam Á mở cửa chậm rãi và chắc chắn

Vào tháng 1, dữ liệu của trang cung cấp dịch vụ du lịch trực tuyến Skyscanner cho thấy nhu cầu di chuyển đến Đông Nam Á tăng vọt khi các nước như Thái Lan, Việt Nam, Philippines, Singapore hay Indonesia dần nới lỏng các biện pháp hạn chế khi vượt qua "cơn bão" Omicron.

"Tỉ lệ bao phủ vaccine cao giúp khách du lịch an tâm hơn khi di chuyển", Raini nhận định. "Trước khi Omicron xuất hiện, đã có những nước nới lỏng quy định cách ly nhưng nhìn chung có một tâm lý ngại di chuyển. Giờ đây, nhiều nước đạt số ca mắc kỷ lục. Quá nhiều ca mắc cộng đồng khiến chẳng mấy ai còn ngại rủi ro đến từ khách du lịch quốc tế."

ASEAN nên thúc đẩy du lịch nội khối trong thời kỳ hậu COVID-19 - Ảnh 3.

Những du khách quốc tế đầu tiên đến Bali, Indonesia sau 2 năm đóng cửa chống dịch - Ảnh: Reuters

Đảo Bali của Indonesia đón chuyến bay quốc tế đầu tiên trở lại sau hai năm vào đầu tháng Hai. Đến giữa tháng, Philippines đón 200 vị khách đầu tiên đặt chân đến Manila cũng sau hai năm. Chậm rãi mà chắc chắn, ASEAN đang mở cửa trở lại với thế giới.

Lượng vé máy bay đặt trước từ Anh, Mỹ và Đức đến các nước khối ASEAN đã tăng đến 300%. Trả lời Reuters, Giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Skyscanner, Paul Whiteway cho biết: "Khi các quy định hạn chế dần nới lỏng, khách du lịch sẽ tìm cách thích nghi với tình hình mới để có thể lại được đi đến những nước khác nhau."

ASEAN nên thúc đẩy du lịch nội khối

Để ngành du lịch trở về với sự sôi động trước đại dịch không phải là chuyện một sớm một chiều khi tình hình dịch bệnh và chính sách chống dịch của mỗi quốc gia lại có những điểm khác biệt. Điển hình như Trung Quốc, quốc gia có lượng khách đi du lịch quốc tế hàng đầu thế giới, vẫn theo đuổi mục tiêu "zero-COVID" và hạn chế nghiêm ngặt hoạt động xuất cảnh không thiết yếu của người dân.

ASEAN nên thúc đẩy du lịch nội khối trong thời kỳ hậu COVID-19 - Ảnh 4.

Hành khách nói chuyện với một nhân viên đeo khẩu trang và găng tay bảo hộ khi làm thủ tục tại Sân bay Quốc tế Penang ở Malaysia - Ảnh: AFP

Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia trong khối ASEAN kêu gọi rằng các nước Đông Nam Á nên tìm cách thúc đẩy, thu hút khách du lịch trong khu vực nhiều hơn. Đây là một cách để tận dụng sự thuận tiện về khoảng cách di chuyển, thủ tục cũng như một viễn cảnh ngành du lịch của các nước đều được hưởng lợi, khi du lịch khu vực được dự báo chỉ có thể trở về quỹ đạo như trước đại dịch vào năm 2024. Singapore, Thái Lan, Malaysia và Campuchia nhận ra được tiềm năng này và thực hiện đàm phán về một loại visa vaccine đặc biệt, giúp du khách có thể di chuyển tự do giữa các nước này sau khi đến chân đến một trong bốn quốc gia.

ASEAN nên thúc đẩy du lịch nội khối trong thời kỳ hậu COVID-19 - Ảnh 5.

Du khách tới thăm phố cổ Hội An, Việt Nam thời điểm trước đại dịch COVID-19 - Ảnh: Getty

Để có thể thu hút khách hàng tiềm năng ngay trong khối ASEAN, Channel News Asia cho rằng cần phải hiểu sự đa dạng về phong tục và văn hóa của khu vực này. Không ít người coi khối ASEAN là một thị trường độc lập. Nhưng dưới góc độ của một địa điểm du lịch, đây là khu vực đa dạng về văn hóa hàng đầu thế giới, phù hợp với lối sống và phong cách của mọi vị khách. Không chỉ dừng lại ở những bãi biển đẹp tựa tranh vẽ hay những hộp đêm sầm uất, khu vực này còn đa dạng về phong tục và tôn giáo.

Theo nghiên cứu của Ủy ban Vận chuyển châu Âu, Singapore – quốc đảo nhỏ về diện tích nhưng có sự kết nối toàn cầu – có một lượng lớn công dân di chuyển đến Australia vào năm 2017. Cùng năm đó, Indonesia – quốc gia có dân số lớn nhất khối ASEAN – có một lượng lớn công dân đi đến Arập Xêút. Indonesia có dân số theo đạo Hồi lớn nhất thế giới, vì vậy, đây là một thị trường rất quan trọng đối với ngành du lịch tín ngưỡng của Arập Xêút. Một khảo sát mới đây do Học viện ISEAS-Yusof Ishak, Singapore thực hiện cho thấy, Nhật Bản là điểm đến hấp dẫn nhất đối với du khách ASEAN. Du khách chọn xứ sở mặt trời mọc chủ yếu đến từ Lào, Singapore, Thái Lan, Philippines, Indonesia và Malaysia. Xếp sau Nhật Bản là khu vực Liên minh châu Âu và các nước ASEAN.

Các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á hoàn toàn có thể tăng cường thu hút khách du lịch nội khối thông qua việc hiểu nhu cầu và sở thích của người dân các nước trong khu vực. Trong các nước thuộc khối ASEAN, Singapore là điểm đến lý tưởng nhất, hấp dẫn hơn Thái Lan và Indonesia ở những vị trí tiếp theo.

ASEAN nên thúc đẩy du lịch nội khối trong thời kỳ hậu COVID-19 - Ảnh 6.

Khách du lịch đến Vịnh Maya ngày 3/1/12022 khi Thái Lan mở cửa trở lại bãi biển nổi tiếng sau khi đóng cửa hơn ba năm để phục hồi hệ sinh thái - Ảnh: Reuters

Song song với hoạt động thu hút khách du lịch quốc tế, các quốc gia ASEAN cũng nên chú trong đẩy mạnh du lịch trong nước. Hơn một nửa người tham gia khảo sát tại Thái Lan cho thấy, họ ưa thích hoạt động du lịch nội địa. Điều này có thể lý giải bởi các biện pháp hạn chế vẫn tạo ra những bất tiện khi di chuyển, và tâm lý kích cầu du lịch nội địa để tăng nguồn thu nhập trong nước trong bối cảnh nền kinh tế vẫn chưa hoàn toàn hồi phục sau những cú sốc đến từ dịch bệnh.

ASEAN nên thúc đẩy du lịch nội khối trong thời kỳ hậu COVID-19 - Ảnh 7.

Thông điệp chào mừng du khách trở lại tại sân bay Sydney, Australia - Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, với những tín đồ "xê dịch" như Raini Hamdi, ở thời điểm hiện tại, mấu chốt không nằm ở việc đưa những con số quay trở về như trước dịch, mà ngành du lịch cần thu hút khách hàng trở lại bằng lòng tận tụy và sự hiếu khách.

"Australia đón những vị khách quốc tế đầu tiên tại Sydney sau hai năm bằng những dòng ‘Chào mừng thế giới!’ được sơn đậm ngay cạnh đường băng. Đi du lịch lại đem lại niềm vui và cảm giác tuyệt vời lại trở lại."


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước