Cố gắng giảm phụ thuộc, EU vẫn phải tăng cường nhập khí đốt tự nhiên từ Nga

Đàm Linh (Theo RT, AP, Euronews)-Thứ năm, ngày 08/08/2024 17:20 GMT+7

Đường ống dẫn khí đốt của gã khổng lồ năng lượng nhà nước Nga Gazprom (Ảnh: Bloomberg)

VTV.vn - Các biện pháp trừng phạt của EU đối với khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga dường như chỉ là “muối bỏ bể”.

Pháp tăng mạnh nhập khẩu khí đốt từ Nga

Các báo cáo mới về dữ liệu thương mại từ Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA), cho thấy lượng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) do Nga xuất khẩu sang Pháp đã tăng gấp đôi trong nửa đầu năm 2024.

Cụ thể, các công ty Pháp đã nhập khẩu gần 4,4 tỷ m3 LNG của Nga trong 6 tháng qua, so với hơn 2 tỷ m3 trong cùng kỳ năm 2023.

TotalEnergies, "gã khổng lồ" năng lượng của Pháp chiếm thị phần lớn nhất trong danh sách nhập khẩu từ tháng 1 - 6/2024 cho biết, họ bị ràng buộc bởi các hợp đồng đã ký trước khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng phát.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính và Kinh tế Pháp cho hay sự gián đoạn trong hoạt động vận tải qua kênh đào Suez đã buộc nước này phải định hình lại hoạt động nhập khẩu LNG từ Trung Đông không còn dễ dàng đến châu Âu, trong khi tuyến đường của Nga từ Bắc Cực không bị ảnh hưởng.

EU đặt mục tiêu giảm sự phụ thuộc vào LNG của Nga

Ngày 20/6, Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định áp dụng một loạt biện pháp trừng phạt mới đối với Nga. Đây là lần đầu tiên EU nhắm tới nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng, loại hàng hóa mà một số quốc gia thành viên của khối này vẫn tiếp tục mua từ Nga, bất chấp cuộc xung đột ở Ukraine.

Cố gắng giảm phụ thuộc, EU vẫn phải tăng cường nhập khí đốt tự nhiên từ Nga - Ảnh 1.

EU đặt mục tiêu loại bỏ khí đốt Nga nhưng thực tế lượng khí đốt qua đường ống của Nga đến EU vẫn tăng vọt (Ảnh: Bloomberg)

Theo đó, thỏa thuận đạt được sẽ cấm các nhà xuất khẩu khí đốt của Nga sử dụng các cảng của EU để chuyển khí đốt giữa các tàu chở dầu lớn và các tàu nhỏ hơn dành cho các nước thứ ba, nhưng không có lệnh cấm hoàn toàn đối với các quốc gia EU mua nhiên liệu. Các biện pháp trừng phạt cũng bao gồm các biện pháp hạn chế Nga sử dụng đội tàu chở dầu "bóng tối".

Tuy nhiên, việc kiểm soát LNG không thể thực hiện được lệnh cấm nhập khẩu hoàn toàn như khối trước đây đã thực hiện với than và dầu qua đường biển, hai trong số những nguồn thu lớn nhất của Moscow. Thay vào đó, các công ty EU vẫn sẽ được phép mua LNG của Nga nhưng bị cấm tái xuất khẩu sang các nước khác, một hành vi được gọi là "chuyển tải".

Nghịch lý đang diễn ra

Theo báo Vedomosti, nguồn cung cấp khí đốt của Nga cho EU thông qua đường ống TurkStream đã tăng vọt hơn 40% trong 7 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2023.

Nhiên liệu nhập từ Nga đang có nhu cầu tăng cao do các đợt nắng nóng ở châu Âu. Vào tháng 7, gã khổng lồ năng lượng nhà nước Nga Gazprom đã cung cấp hơn 1,5 tỷ m3 (bcm) khí đốt cho EU thông qua TurkStream, tăng 29% so với tháng trước, Vedomosti trích dẫn dữ liệu từ tập đoàn truyền tải khí đốt châu Âu Entsog. Theo báo cáo này, lượng khí đốt được cung cấp tăng 9% so với cùng kỳ năm trước.

TurkStream là đường ống dẫn khí đốt tự nhiên chạy từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ qua Biển Đen và sau đó tiếp tục đến biên giới với thành viên EU là Hy Lạp. Tuyến đường khác để khí đốt của đường ống Nga đến khối này là thông qua hệ thống trung chuyển ở Ukraine.

Gazprom từng là nhà cung cấp khí đốt chính của EU. Tuy nhiên, sau khi xung đột giữa Kiev và Moscow nổ ra, công ty này đã giảm đáng kể lượng xuất khẩu sang khối này do lệnh trừng phạt của phương Tây và tình trạng phá hoại đường ống Nord Stream.

EU đã quyết tâm giảm sự phụ thuộc vào LNG của Nga và thay vào đó tăng mua từ Hoa Kỳ. Tuy nhiên, theo Bloomberg, các nhà cung cấp của Hoa Kỳ đã giảm lượng khí đốt vận chuyển đến EU vào tháng 7, thay vào đó, họ gửi tàu chở LNG của mình đến các khu vực có nhu cầu cao hơn ở châu Á. Tháng trước, Hoa Kỳ đã vận chuyển LNG qua đường biển nhiều hơn đến châu Á so với bất kỳ tháng nào kể từ năm 2021.

Các lệnh trừng phạt liên quan đến Ukraine do Brussels áp dụng đối với Nga cho đến nay vẫn chưa nhắm vào nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng, nhưng nhiều thành viên bao gồm Ba Lan, Bulgaria, Phần Lan, Hà Lan và Đan Mạch đã tự nguyện dừng nhập khẩu. Tuy nhiên, một số quốc gia EU, bao gồm Áo, Hungary, Slovakia và Italy, vẫn đang nhập khẩu khí đốt qua đường ống của Nga. Thỏa thuận trung chuyển khí đốt giữa Gazprom và Ukraine sẽ hết hạn vào cuối năm nay và Kiev cho biết họ không có kế hoạch gia hạn.

Tháng trước, có thông tin cho biết một số quốc gia EU đang thảo luận về các cách thức cho phép khí đốt tự nhiên của Nga tiếp tục lưu thông qua mạng lưới trung chuyển của Ukraine sau năm 2024.

Xuất khẩu khí đốt của Nga sang EU tăng mạnh Xuất khẩu khí đốt của Nga sang EU tăng mạnh

VTV.vn - So với cùng kì năm ngoái, khối lượng khí đốt tự nhiên của Nga xuất khẩu qua đường ống sang Liên minh châu Âu (EU) trong 6 tháng đầu năm đã tăng tới 24%.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước