Chi tiêu quốc phòng toàn cầu 2024 tăng kỷ lục

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 15/01/2025 06:36 GMT+7

VTV.vn - Trong 2 thập kỷ qua, chi tiêu quân sự toàn cầu tăng đều đặn và được dự kiến còn tăng hơn nữa.

Mức tăng chi tiêu quốc phòng toàn cầu này được thúc đẩy bởi các cuộc xung đột lan rộng trên toàn thế giới như xung đột tại Ukraine, Trung Đông.

Chi tiêu quốc phòng toàn cầu tăng cao

Theo dự kiến, chi tiêu quân sự năm 2024 sẽ đặt 2.600 tỷ USD, trong khi chi tiêu quân sự năm 2023 đã đạt mức lịch sử là 2.400 tỷ USD. Con số trên đánh dấu năm thứ 9 tăng liên tiếp và tăng hơn 200 tỷ USD so với năm trước đó.

Mỹ là quốc gia có chi tiêu quốc phòng lớn nhất toàn cầu (chiếm 37%) với khoản chi lên tới 916 tỷ USD. Các nước có chi tiêu quốc phòng lớn nhất thế giới còn có Trung Quốc (296 tỷ USD), Nga (109 tỷ USD), Ấn Độ (trên 83 tỷ USD). Nhật Bản đứng thứ 10 với hơn 50 tỷ USD, và tiếp sau là Hàn Quốc với gần 48 tỷ USD.

Chi tiêu quốc phòng toàn cầu đang tăng mạnh khi các quốc gia trên thế giới - đặc biệt là các quốc gia thành viên NATO - tái đánh giá ngân sách quốc phòng để đối phó với các mối đe dọa an ninh ngày càng lớn. Do xung đột kéo dài, Ukraine hiện chi tới 36,65% GDP cho quốc phòng - mức cao nhất toàn cầu.

Chi tiêu quốc phòng toàn cầu 2024 tăng kỷ lục - Ảnh 1.

(Ảnh: RAF / PA Wire)

Kêu gọi NATO tăng ngân sách quốc phòng

Trong bối cảnh các nước tăng chi tiêu quốc phòng và các xung đột ngày càng gia tăng, trong tuần qua, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump cũng đã kêu gọi các nước NATO tăng mạnh chi tiêu cho quốc phòng.

Cụ thể, vào ngày 7/1, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đã kêu gọi các nước thành viên NATO tăng chi tiêu quốc phòng lên 5% GDP, thay vì mức 2% như hiện nay. Ông Trump cho rằng các nước châu Âu đang chi ít hơn cho quốc phòng và trông chờ vào sự bảo vệ của Mỹ.

Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump phát biểu: "Họ đều có thể chi trả được, nhưng nên ở mức 5%, chứ không phải 2%".

Ông Trump từ lâu đã tỏ ra hoài nghi về NATO. Tháng 12/2024, ông Trump đã nhắc lại lời cảnh báo quen thuộc về việc đưa Mỹ rời khỏi NATO nếu các nước thành viên không tăng chi tiêu cho quốc phòng.

Anh - đồng minh quan trọng của Mỹ trong NATO tại châu Âu - cũng có cùng quan điểm.

Ông David Lammy - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Anh - nhận xét: "Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump và ông J.D. Vance hoàn toàn đúng khi nói rằng châu Âu cần phải làm nhiều hơn nữa để bảo vệ lục địa của mình. Vì vậy, Chính phủ Anh sẽ vạch ra một con đường rõ ràng để đạt được 2,5% GDP cho chi tiêu quốc phòng".

Trong khi đó, phía Đức cho rằng các nước NATO sẽ cần thiết lập mục tiêu mới về chi tiêu quân sự, nhưng nhấn mạnh con số này sẽ là 3% chứ không phải 5% như đề xuất của Tổng thống đắc cử Trump.

Chi tiêu quốc phòng toàn cầu 2024 tăng kỷ lục - Ảnh 2.

(Ảnh: Global Defense Corp)

Ông Boris Pistorius - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đức - nói: "5% ở Đức sẽ có nghĩa là khoảng 40% ngân sách liên bang, 40% toàn bộ ngân sách liên bang. Tôi không biết quốc gia nào có thể chi trả được. Vì vậy, đây không phải là vấn đề về tỷ lệ phần trăm. Vấn đề là các mục tiêu năng lực của NATO, những mục tiêu đã xác định có thể hoàn thành được hay không".

Theo đánh giá gần nhất của NATO, 23 trong 32 thành viên của khối sẽ đạt mục tiêu chi 2% GDP cho ngân sách quốc phòng trong năm 2024, so với chỉ 3 nước làm được điều này hồi năm 2014. Chi tiêu quốc phòng năm 2024 của NATO được dự kiến sẽ vượt mức 400 tỷ USD.

EU với thách thức tăng năng lực quốc phòng

Trước những lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ đắc cử và các diễn biến thực tế, Liên minh châu Âu trong năm nay sẽ phải đối mặt với thách thức tăng năng lực quốc phòng nhằm phát triển các vũ khí hiệu quả đáp ứng nhu cầu cấp thiết, vừa thúc đẩy kinh tế qua đòn bẩy công nghiệp quốc phòng.

Nhiệm vụ khó khăn của Liên minh châu Âu trước mắt là phải nhanh chóng mua sắm khí tài với giá cả phải chăng, lâu dài phải phát triển công nghiệp quốc phòng theo cách có lợi cho tăng trưởng kinh tế. Chi phí từ đâu hiện vẫn chưa được xác định rõ ràng: phát hành trái phiếu chung, sử dụng các quỹ chung hiện có, hay là thành lập một ngân hàng quốc phòng mới. Việc thảo luận về ngân sách quốc phòng dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 2 năm nay, song song với đàm phán ngân sách dài hạn cho cả khối.

Ông Sauli Niinistö - cựu Tổng thống Phần Lan - cho biết: "Sau nhiều năm đầu tư không đủ, giờ đây chúng ta phải mở rộng năng lực công nghiệp quốc phòng, vừa phát triển năng lực quân sự tiên tiến, cũng như sản xuất hàng loạt vật tư thiết bị như pháo binh, đạn dược và thiết bị bay không người lái.

Chi tiêu quốc phòng toàn cầu 2024 tăng kỷ lục - Ảnh 3.

(Ảnh: AFP / Getty Images)

Công nghiệp quốc phòng châu Âu xuất khẩu tới 3/4 sản phẩm ra bên ngoài Liên minh châu Âu. Mua bán vũ khí giữa các nước nội khối chỉ giúp tiêu thụ 1/4 tổng số vũ khí và thiết bị quân sự được sản xuất tại châu Âu. Nhiều nước châu Âu vẫn chuộng mua vũ khí của Mỹ.

Ông Mark Rutte - Tổng Thư ký NATO - nhận định: "Kể từ năm 2022, các nước châu Âu đã chi 184 tỷ USD mua vũ khí của Mỹ. Khoảng một nửa tổng chi tiêu mua sắm quốc phòng đã chảy sang vào các công ty Mỹ, chỉ có một nửa vào các công ty châu Âu.

Nếu các nước châu Âu gia tăng mua sắm vũ khí nhà làm sẽ giảm chi phí mua sắm, lại vừa thúc đẩy được công nghiệp quốc phòng châu Âu, một ngành kinh tế có quy mô 116 tỷ Euro và sử dụng 440.000 nhân lực. Và nếu mua chung được thì càng tốt".

Ông Rutte nói thêm: "Chúng ta phải chấm dứt việc mỗi nước khi mua vũ khí đều có yêu cầu riêng, thêm phụ kiện này, sửa chi tiết kia, khiến cho việc mua chung gần như không thể. Chúng ta không chỉ phải chi nhiều hơn, mà còn phải chi hiệu quả hơn, nếu không, tác động tài chính sẽ rất lớn".

Liên minh châu Âu kỳ vọng việc đầu tư mạnh mẽ cho công nghiệp quốc phòng sẽ thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp nói chung. Các nhà đầu tư châu Âu - thường do dự đầu tư vào lĩnh vực này vì những lo ngại về đạo đức - cũng đã thay đổi quan điểm trong hơn 2 năm qua, luồng vốn tư nhân vào công nghiệp quốc phòng tiếp tục tăng mạnh trên các sàn chứng khoán châu Âu.

Bối cảnh quốc phòng toàn cầu đang trải qua một sự chuyển đổi sâu sắc, được thúc đẩy bởi căng thẳng địa chính trị gia tăng, ngân sách quân sự tăng và sự tích hợp nhanh chóng của các công nghệ tiên tiến. Các hệ thống quốc phòng truyền thống vẫn đóng vai trò then chốt, nhưng sự nhấn mạnh ngày càng tăng vào AI, an ninh mạng và các công nghệ tự động báo hiệu sự chuyển dịch sang các giải pháp linh hoạt hơn và tiết kiệm chi phí hơn.

Những diễn biến này đang định hình lại nền kinh tế quốc phòng. Với chi tiêu quốc phòng toàn cầu dự kiến sẽ vượt quá 3.400 tỷ USD vào năm 2030, lĩnh vực này sẽ trải qua sự mở rộng, định nghĩa lại tương lai của an ninh quốc gia và toàn cầu.

Mỹ thông qua dự luật chi tiêu quốc phòng kỷ lục lên gần 900 tỷ USD Mỹ thông qua dự luật chi tiêu quốc phòng kỷ lục lên gần 900 tỷ USD Tổng Thư ký NATO kêu gọi tăng chi tiêu quốc phòng để chống lại Nga Tổng Thư ký NATO kêu gọi tăng chi tiêu quốc phòng để chống lại Nga Chủ tịch Ủy ban châu Âu hối thúc EU tăng mạnh chi tiêu quốc phòng Chủ tịch Ủy ban châu Âu hối thúc EU tăng mạnh chi tiêu quốc phòng

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước