Mức tăng này được đưa ra trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine đã kéo dài gần 3 năm với nhiều diễn biến mới, phức tạp trên thực địa, có khả năng đẩy xung đột sang một giai đoạn mới.
Nga tăng chi tiêu quốc phòng năm 2025 lên 32,5% ngân sách
Theo sắc lệnh mới được Tổng thống Nga ban hành, khoảng 32,5% ngân sách đã được phân bổ cho quốc phòng, tương đương với mức 13.500 tỷ Ruble (hơn 145 tỷ USD), tăng so với mức 28,3% được báo cáo trong năm 2024.
Động thái tăng chi tiêu quốc phòng của Nga được đánh giá là nước này muốn giành được những bước ngoặt lớn hơn trên chiến trường trong cuộc xung đột với Ukraine.
Theo truyền thông, việc Nga tăng chi tiêu quân sự trong bối cảnh lãnh đạo Ukraine quan tâm đến đàm phán hòa bình và nguy cơ xung đột hạt nhân với phương Tây cũng là những yếu tố khác đáng quan tâm. Nga có nhiều vũ khí, đạn dược và nhân sự hơn, nhưng gánh nặng đối với nền kinh tế và dân số của nước này đang gia tăng.
Nga đã tăng mạnh chi tiêu quân sự trong hai năm qua và nền kinh tế của Moscow đang cho thấy dấu hiệu quá nóng: lạm phát đang ở mức cao và các công ty đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động. Để kiểm soát tình hình, Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng lãi suất lên 21% vào tháng 10, đây là tăng mức cao nhất trong nhiều thập kỷ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phê duyệt ngân sách quốc phòng kỷ lục cho năm 2025 (Ảnh: Getty Images)
Sau khi Nga phê duyệt chi tiêu kỷ lục cho quốc phòng trong năm 2025, Viện Nghiên cứu Chiến tranh của Mỹ đánh giá, chi tiêu quốc phòng tăng của Nga không nhất thiết tương đương với năng lực quân sự được nâng cao. Nhiều khoản tiền trong số này được chuyển hướng để bồi thường cho binh lính, cựu chiến binh và gia đình.
Mục đích tăng chi tiêu quốc phòng của Nga
Chi tiêu quốc phòng không chỉ là hạng mục ngân sách lớn nhất mà còn tăng trưởng nhanh nhất của Nga. Kế hoạch chi tiêu trong năm 2025 của Nga đã tăng gần gấp 4 lần so với thời điểm trước cuộc khủng hoảng - năm 2021. Theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, việc tăng chi tiêu quốc phòng là hợp lý bởi tính chất cuộc chiến tranh phức hợp và nhu cầu tăng cường phòng thủ quân sự.
Điều quan trọng hơn là Bộ Tài chính Nga đảm bảo sẽ có đủ tiền "cho những gì đã lên kế hoạch". 85% ngân sách quốc phòng không được công khai. Trong thông cáo của Bộ Tài chính Nga, các lĩnh vực chi tiêu được nêu khá ngắn gọn gồm trang bị cho lực lượng vũ trang, chi trả phụ cấp cho những người tham gia chiến dịch quân sự và hỗ trợ các doanh nghiệp quốc phòng. Khoản mục lớn nhất trong phần được công khai là chi phí thanh toán cho nhân sự mà Chính phủ Nga đề xuất phân bổ 1,3 nghìn tỷ Ruble. Đối với lực lượng vũ trang Nga lên đến 1,5 triệu người, số tiền này dường như là không quá cao.
Thế giới đang đặt câu hỏi liệu việc Nga tăng chi tiêu quốc phòng có làm gia tăng nguy cơ chạy đua vũ trang giữa Nga và các nước NATO? (Ảnh: Dịch vụ báo chí Bộ Quốc phòng Nga)
Nga tăng chi tiêu cho quân sự: Nguy cơ gia tăng chạy đua vũ trang?
Vậy việc Nga tăng chi tiêu quốc phòng trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine đang căng thẳng liệu có làm gia tăng nguy cơ chạy đua vũ trang giữa Nga và các nước NATO hay không?
Theo giới phân tích, cuộc xung đột ở Ukraine đã bước vào một giai đoạn leo thang mới, mà Nga gần như đang trong tình trạng đối đầu trực diện với phương Tây. Phía Nga tuyên bố không nhìn thấy khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine về mặt chính trị và ngoại giao trong tương lai gần, và Nga đang tăng cường sản xuất quân sự, triển khai quân đội trên tiền tuyến tích cực hơn.
Theo các chuyên gia, việc Nga tăng chi tiêu quốc phòng cho thấy Moscow đang đầu tư mạnh mẽ vào trang thiết bị quân sự và các loại vũ khí mới. Mặc dù vậy, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều lần khẳng định Nga sẽ không bị lôi kéo vào một cuộc chạy đua vũ trang mới. Theo đó, nước này chỉ duy trì lực lượng hạt nhân ở mức đủ cần thiết để đảm bảo an ninh quốc gia.
Rõ ràng, không chỉ Nga, nhiều nước NATO tại châu Âu - đặc biệt là các quốc gia ở sườn phía Đông NATO - cũng đã liên tục gia tăng chi tiêu quân sự những năm qua.
Để làm rõ hơn, các nước châu Âu trong NATO đã tăng gấp đôi chi tiêu quân sự trong 10 năm qua, lên khoảng 380 tỷ USD. 23 trong số 32 thành viên NATO vượt mức chi 2% GDP cho quốc phòng vào năm 2024, tăng từ 3 thành viên trong năm 2014. Một số quốc gia còn đang thúc đẩy tăng mục tiêu chi tiêu lên mức 3%.
Và như vậy, dù bên nào cũng khẳng định không muốn rơi vào một cuộc chạy đua vũ trang mới, nhưng các động thái nói trên có thể sẽ tiếp tục làm phức tạp thêm đối đầu Nga - phương Tây thời trong gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!