PFAS thường có trong chảo chống dính cùng với các mặt hàng khác như hộp đựng pizza, mỹ phẩm và quần áo chống thấm nước. (Ảnh: iStockphoto)
Nghiên cứu từ dự án Forever Lobbying Project cho thấy chi phí làm sạch ô nhiễm hóa chất PFAS, hay còn gọi là "hóa chất vĩnh cửu", ở Anh và châu Âu có thể vượt hơn 1,6 nghìn tỷ bảng trong 20 năm tới, tương đương 84 tỷ bảng mỗi năm.
Tại Anh, chi phí làm sạch mỗi năm có thể đạt 9,9 tỷ bảng nếu không kiểm soát được phát thải PFAS. PFAS là một nhóm hơn 10.000 hóa chất nhân tạo, thường được sử dụng trong các sản phẩm tiêu dùng như chảo chống dính, hộp đựng pizza, mỹ phẩm, quần áo chống nước và bọt chữa cháy... Tuy nhiên, đặc tính khó phân hủy khiến PFAS tồn tại lâu dài trong môi trường và gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe, bao gồm ung thư, rối loạn miễn dịch và nội tiết.
Tại Anh, PFAS được phát hiện trong nguồn nước uống và nước bề mặt. Các điểm nóng ô nhiễm bao gồm bãi rác, sân bay, khu quân sự, nơi sử dụng bọt chữa cháy và các khu công nghiệp... Theo báo cáo từ cơ quan giám sát nước uống, hơn 278 mẫu nước uống chưa qua xử lý vượt mức hướng dẫn tối đa, cùng hơn 255.610 mẫu ở mức cần có biện pháp xử lý.
Khói từ đường ống của nhà máy Chemours tại Dordrecht vào lúc Mặt trời mọc. Nghiên cứu đã tiết lộ lượng khí thải độc hại tăng lên tại 125 công ty ở Hà Lan. (Ảnh: AFP)
Việc làm sạch ô nhiễm PFAS hiện nay chủ yếu dựa vào công nghệ đốt ở nhiệt độ cao, nhưng chi phí rất đắt đỏ. Các chuyên gia cảnh báo rằng một số nhà máy xử lý nước thải còn tạo ra PFAS bị cấm thay vì tiêu hủy chúng.
Ali Ling, chuyên gia từ Đại học St Thomas, nhận định: "Hạn chế sử dụng PFAS và giảm phát thải sẽ hiệu quả hơn về chi phí so với việc xử lý ô nhiễm".
Các nhóm bảo vệ môi trường đã chỉ trích hệ thống quản lý hóa chất của chính phủ Anh vì chưa đủ mạnh. Tổ chức ChemTrust nhấn mạnh rằng chi phí của sự trì trệ trong việc kiểm soát PFAS là rất lớn, kêu gọi chính phủ hành động ngay để cấm các hóa chất này nhằm bảo vệ con người và thiên nhiên.
Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn Anh cho biết họ đang điều tra việc hạn chế sử dụng PFAS trong bọt chữa cháy và đã đầu tư 2 tỷ bảng để cải thiện chất lượng nước, bao gồm xử lý ô nhiễm PFAS.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!