Cà phê, trứng và gạo trắng có liên quan đến mức PFAS cao hơn trong cơ thể người

Quỳnh Chi (Theo The Guardian)-Thứ hai, ngày 29/07/2024 07:15 GMT+7

(Ảnh: EPA)

VTV.vn - Những người ăn nhiều gạo trắng, cà phê, trứng và hải sản thường có nhiều hóa chất độc hại hơn trong huyết tương và sữa mẹ.

Nghiên cứu mới nhằm xác định thực phẩm chứa hàm lượng các chất per- và polyfluoroalky (PFAS - nhóm các hóa chất tổng hợp phổ biến tồn tại trong môi trường và cơ thể con người, có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng) cao hơn cho thấy kết quả trên.

Nghiên cứu đã kiểm tra mẫu từ 3.000 thai phụ. Đây là một trong những nghiên cứu đầu tiên cho thấy cà phê và gạo trắng có thể bị ô nhiễm PFAS với tỷ lệ cao hơn các thực phẩm khác. Nó cũng xác định mối liên quan giữa việc tiêu thụ thịt đỏ và mức độ PFOS - một trong những hợp chất PFAS phổ biến và nguy hiểm nhất.

Các tác giả cho biết những phát hiện này nêu bật sự phổ biến của hóa chất và nhiều cách chúng có thể có mặt trong nguồn cung cấp thực phẩm.

Megan Romano - nhà nghiên cứu và tác giả chính - cho biết: "Các kết quả nghiên cứu chỉ ra sự cần thiết phải quản lý môi trường và loại bỏ PFAS khỏi môi trường và chuỗi thức ăn. Bây giờ chúng ta đang ở trong tình trạng mà PFAS có mặt ở khắp mọi nơi và sẽ thâm nhập ngay cả khi chúng ta tiến hành các biện pháp khắc phục tích cực".

PFAS là một nhóm gồm khoảng 16.000 hợp chất được sử dụng để tạo ra các sản phẩm chống nước, vết bẩn và nhiệt. Chúng được gọi là "hóa chất vĩnh cửu" vì chúng không bị phân hủy một cách tự nhiên và được phát hiện tích tụ trong cơ thể con người. Các hóa chất này có liên quan đến ung thư, dị tật bẩm sinh, bệnh gan, bệnh tuyến giáp, số lượng tinh trùng giảm mạnh và một loạt vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.

Cà phê, trứng và gạo trắng có liên quan đến mức PFAS cao hơn trong cơ thể người - Ảnh 1.

(Ảnh: NationofChange)

Mặc dù các cơ quan quản lý đã tập trung vào việc hạn chế ô nhiễm PFAS trong nước nhưng thực phẩm được cho là con đường phơi nhiễm PFAS phổ biến nhất. PFAS có thể gây ô nhiễm thực phẩm thông qua một số con đường. Ở lúa gạo, các nhà nghiên cứu nghi ngờ tình trạng phơi nhiễm PFAS bắt nguồn từ đất hoặc nước nông nghiệp bị ô nhiễm. Dụng cụ nấu ăn chống dính cũng thường chứa các hóa chất vĩnh cửu, hoặc PFAS có thể có trong nước dùng để nấu ăn.

Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy mức PFAS cao hơn liên quan đến trứng từ những con gà nuôi, điều mà các nhà nghiên cứu cho biết có thể là do những con gia cầm này thường được cho ăn thức ăn thừa của người. Bùn thải chứa PFAS - được sử dụng như một giải pháp thay thế rẻ tiền cho phân bón - cũng có thể làm ô nhiễm đất nơi gà ăn và được phát hiện là làm ô nhiễm thịt bò. Các hóa chất này cũng có thể có trong thức ăn của gà.

Trong cà phê, các nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng hạt cà phê, nước dùng để pha hoặc đất trồng cà phê có thể bị ô nhiễm. Nghiên cứu trước đây cũng cho thấy các bộ lọc cà phê được xử lý bằng PFAS và cốc giấy hoặc bao bì thực phẩm khác cũng thường chứa các hóa chất này.

Trong khi đó, hải sản thường xuyên bị phát hiện bị nhiễm PFAS vì ô nhiễm nguồn nước - tình trạng rất phổ biến hiện nay.

Những người ủng hộ sức khỏe cộng đồng cho rằng lệnh cấm sử dụng các hóa chất này ngoại trừ những mục đích sử dụng thiết yếu là cách duy nhất để bắt đầu giải quyết vấn đề một cách rộng rãi. Nghiên cứu cho thấy chế độ ăn nhiều trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và nhiều chất xơ hơn có liên quan đến mức độ thấp hơn của một số loại PFAS và việc ăn một chế độ ăn đa dạng để không có một nguồn protein nào chiếm tỷ lệ quá lớn trong khẩu phần ăn là có lợi trong việc chống ô nhiễm PFAS.

Hóa chất vĩnh cửu (PFAS) - mối lo ngại đối với môi trường và sức khỏe Hóa chất vĩnh cửu (PFAS) - mối lo ngại đối với môi trường và sức khỏe Chất PFAS trong đồ gia dụng có khả năng cao gây bệnh thận và ung thư Chất PFAS trong đồ gia dụng có khả năng cao gây bệnh thận và ung thư Làm thế nào để giảm hóa chất PFAS có trong nước uống của bạn? Làm thế nào để giảm hóa chất PFAS có trong nước uống của bạn?

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước