Con số thương vong được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng do nhiều người vẫn còn mắc kẹt trong các đống đổ nát. Hơn 120 dư chấn có cường độ từ 4 độ đã được ghi nhận sau đó, khiến thiệt hại càng thêm nặng nề. Các đội cứu hộ đang phải chạy đua với thời gian để tìm kiếm những người sống sót.
Những hình ảnh quay từ trên cao đã cho thấy phần nào mức độ tàn phá khủng khiếp của trận động đất có độ lớn 7,8 xảy ra hôm 6/2. Những cột khói bốc lên trên đống đổ nát, là các tòa nhà đã đổ sập do động đất với rất nhiều người bị mắc kẹt ở bên trong.
Chỉ riêng tại Hatay, tỉnh biên giới giáp Syria của Thổ Nhĩ Kỳ đã có hơn 1.200 tòa nhà bị đổ sập. Trong khi chờ đợi những đội cứu hộ chuyên nghiệp, họ tìm kiếm người mắc kẹt bằng mọi cách.
Thời tiết giá lạnh cùng với phạm vi rộng lớn của thảm họa khiến công tác cứu hộ gặp nhiều thách thức. Ngay cả những người may mắn sống sót sau thảm họa cũng đối diện với nguy hiểm do không còn nơi trú ẩn.
Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo, số nạn nhân có thể lên tới hơn 20.000 người. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ để quốc tang 7 ngày tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong trận động đất.
Trận động đất có độ lớn 7,8 tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hôm 6/2 khiến nhiều người đặt câu hỏi vì sao nó lại có sức tàn phá khủng khiếp như vậy. Theo các chuyên gia, sự kết hợp của hàng loạt yếu tố như vấn đề thời gian, vị trí, đường đứt gãy và kết cấu yếu của các toà nhà đã gây thiệt hại cực lớn về người và của trong trận động đất.
Cụ thể, nguyên nhân đầu tiên được nhiều chuyên gia chỉ ra chính là vị trí và độ sâu của tâm chấn. Sở dĩ trận động đất gây ra sự tàn phá như vậy một phần vì sức mạnh của nó và chúng sẽ đặc biệt nguy hiểm nếu tâm chấn ở gần các khu vực tập trung đông dân cư.
Ông Stephen Hicks, nhà nghiên cứu địa chấn tại Đại học London, Anh, nói: "Những gì xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ trong trường hợp này là một kịch bản xấu nhất về một trận động đất có độ rất lớn 7,8, nó xảy ra ở độ sâu nông, tức là chỉ khoảng 10 km dưới bề mặt. Chính vì vậy, nó gây ra sự rung chuyển rất mạnh".
Một nguyên nhân nữa được các chuyên gia chỉ ra một phần có thể là do đường đứt gãy địa chất nơi trận động đất xảy ra gần đây tương đối yên tĩnh. Điều đó có thể khiến mọi người đã bỏ qua mức độ nguy hiểm của nó.
Thêm một lí do khác được đưa ra chính là việc xây dựng nhà cửa không phù hợp ở một khu vực dễ bị động đất lớn như Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo báo The New York Times, năng lượng giải phóng ra từ trận động đất vào sáng 6/2 ở khu vực biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria tương đương 32 quả bom nguyên tử đã được thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản cách đây gần 80 năm. Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo, có khả năng sẽ còn tiếp tục xảy ra những vụ sập nhà tiếp theo do ảnh hưởng của trận động đất và các dư chấn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!