"Kinh tế chia sẻ" là cụm từ để nói đến một hiện tượng dịch vụ mới, trong đó những cá nhân có thể chia sẻ cùng sử dụng tài sản của nhau thông qua một bên thứ ba, có thể là một ứng dụng mạng làm cầu nối.
Tại Trung Quốc, người ta đã phải dùng từ "sự bùng nổ" khi nhắc về mô hình kinh tế này. Trong năm 2016, lượng giao dịch của nền kinh tế chia sẻ tại quốc gia đông dân nhất thế giới đã tăng lên mức 3.450 tỷ Nhân dân tệ (tương đương khoảng 500 tỷ USD).
Nhiều chuyên gia kinh tế đã đánh giá, loại hình "kinh tế chia sẻ" sẽ không còn là một thị trường nhỏ hay một hiện tượng nhất thời, nó sẽ là tương lai của môi trường kinh doanh toàn cầu, trong bối cảnh các nhà đầu tư đang chạy đua thâu tóm thị phần trong lĩnh vực kinh doanh mới đầy tiềm năng này.
Tại Trung Quốc, dịch vụ chia sẻ, từ xe đạp, ôtô, nhà ở hay bất kỳ loại tài sản nào đã trở nên phổ biến ở rất nhiều thành phố, vì hình thức này vừa mang lại tiện ích cho người sử dụng vừa giúp họ tiết kiệm chi phí. Theo một báo cáo vừa được công bố trong năm 2016, khoảng 600 triệu người Trung Quốc, tương đương một nửa dân số nước này, đã tham gia mạng lưới chia sẻ tài sản cá nhân dưới nhiều hình thức.
Nếu như trong năm 2015, quy mô của thị trường "kinh tế chia sẻ" tại Trung Quốc chỉ dừng ở ngưỡng 1.000 tỷ Nhân dân tệ (tương đương hơn 152,8 tỷ USD), trong năm 2016, con số này đã tăng hơn gấp đôi, lên mức 3.450 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 500 tỷ USD). Các chuyên gia dự báo tăng trưởng trung bình hàng năm của nền kinh tế chia sẻ trong vài năm tới sẽ đạt 40% và tới năm 2020 sẽ chiếm tương đương với 10% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!