Báo chí Trung Đông nói gì về sự cố kênh đào Suez?

Anh Phương (Phóng viên THVN tại Trung Đông)-Thứ năm, ngày 01/04/2021 06:00 GMT+7

VTV.vn - Mặc dù sự cố trên kênh đào Suez đã được khắc phục, nhưng nhiều câu hỏi đang được báo chí Trung Đông đưa ra.

Con tàu Ever Given bị mắc kẹt trên kênh đào Suez đã được giải cứu thành công. Tuyến vận tải biển huyết mạch dài gần 200 km nhưng rộng chỉ hơn 300m đã được khai thông trở lại. Tuy nhiên, sự cố này đã làm bộc lộ nhiều điểm yếu của hệ thống thương mại toàn cầu. Đây là nhận định được nhiều trang báo Trung Đông.

Cho đến lúc này, người ta vẫn chưa thể biết chính xác đâu là nguyên nhân thực sự khiến con tàu Ever Given bị mắc cạn, chắn ngang kênh đào Suez. Nhưng trong khi chưa biết được đích xác nguyên nhân của sự cố, thì cũng đủ để người ta nhận ra một thực tế, rồi đây có thể sẽ còn vô vàn những lý do khác đẩy kênh đào Suez vào một sự tắc nghẽn tương tự.

Theo trang mạng Gulf Business, càng ngày người ta càng nhận ra chuỗi cung ứng toàn cầu của thế giới thực tế mỏng manh đến mức độ nào. Trước đến nay, thương mại toàn cầu vẫn đang đánh cược số phận của mình vào không ít nút thắt cổ chai trong vận tải biển, đó không chỉ là kênh đào Suez, đó là còn kênh đào Panama, là eo biển Hormuz hay eo biển Malacca.

Báo chí Trung Đông nói gì về sự cố kênh đào Suez? - Ảnh 1.

Gió mạnh và bão cát gây cản trở tầm nhìn được cho là nguyên nhân khiến con tàu di chuyển chệch hướng, nghiêng sang một bên và mắc cạn. (Ảnh: AP)

Nhiều trang báo tại Trung Đông đã gọi sự cố vừa qua trên kênh đào Suez là một hồi chuông cảnh tỉnh cho hệ thống thương mại của thế giới.

Cảnh tỉnh, bởi liệu rồi đây ai dám khẳng định những con tàu siêu tải trọng như Ever Given sẽ không là đối tượng tấn công của băng nhóm cướp biển hay khủng bố. Một sự cố như Ever Given rõ ràng đang gợi mở cho nhiều băng nhóm khủng bố cách thức phá hoại mạng lưới cung ứng toàn cầu.

Mạng lưới thương mại toàn cầu đầy rủi ro và mong manh. Nhưng toàn cầu hóa đang tạo ra những nền kinh tế chịu phụ thuộc cả vào mạng lưới cung ứng rủi ro và mong manh đó.

Trang mạng Al Arabiya chỉ ra, rất nhiều doanh nghiệp đang vận hành một mô hình kinh doanh, gắn chặt số phận của mình vào một chuỗi cung ứng, mà ở đó không được có chỗ cho sự sai sót. Trong khi vẫn biết, chuỗi cung ứng vốn đối mặt với rất nhiều rủi ro, thì việc đầu tư xây dựng hệ thống kho bãi, nhằm tích trữ, phòng ngừa rủi ro lại bị nhiều doanh nghiệp bỏ qua.

Một bài học khác, cũng được nhiều tờ báo chỉ ra là sự rủi ro của của việc chạy đua tăng kích cỡ của những con tàu container như Ever Given, được ví von như mầm mồng của những thảm họa được dự báo trước.

Theo báo Arab New, thương mại thế giới từ năm 1980 tới nay đã tăng gấp 10 lần. Sự tăng trưởng đó đi kèm với sự gia tăng kích cỡ của những tàu container được đóng mới. Những con tàu cứ ngày một lớn hơn, khi đi qua những điểm nghẽn như kênh đào Suez hay Panama, rõ ràng sẽ phải đối mặt với những rủi ro chực chờ.

Ai phải chịu trách nhiệm về những tổn thất ở sự cố kênh đào Suez? Ai phải chịu trách nhiệm về những tổn thất ở sự cố kênh đào Suez?

VTV.vn-Ngày 30/3, kênh đào Suez đã được thông trở lại nhưng cuộc tranh luận về thiệt hại do việc đóng cửa kéo dài tại tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới này mới chỉ bắt đầu.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Từ khóa:

kênh đào Suez

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước